Malaysia - từ điển hình chống dịch Covid-19 đến Ấn Độ thu nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Người ta lo ngại rằng Malaysia đang trở thành một phiên bản của Ấn Độ xét về tình trạng lây nhiễm Covid-19. Cuối tháng 7-2021, số ca nhiễm và tử vong hàng ngày tính trên đầu người ở quốc gia Đông Nam Á này đã vượt qua mức cao nhất của Ấn Độ. Điều này hoàn toàn trái ngược với hình mẫu trong xử lý đại dịch mà Malaysia đã được ghi nhận hồi năm ngoái.
Lao động nước ngoài xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Kuala Lumpur, Malaysia hôm 29-7

Lao động nước ngoài xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Kuala Lumpur, Malaysia hôm 29-7

Hậu quả tập trung đông người quá sớm

Những cảnh tượng kinh hoàng và đau lòng tại các bệnh viện ở Malaysia chẳng khác gì một bộ phim thảm họa. Hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải và nhân viên y tế ở đây đang phải vật lộn để đối phó với sự gia tăng theo cấp số nhân những người nhập viện vì Covid-19. Tình trạng cả gia đình cùng nhau nhập viện và một số cùng tử vong không phải là ít. Các tình nguyện viên giúp chôn cất các bệnh nhân tử vong cho biết, số thi thể hiện giờ gấp 30 lần so với năm ngoái. “Giờ tôi không còn cảm giác điều đó thế nào nữa… Các ca tử vong đã trở nên thường xuyên đến mức khiến bạn bị tê liệt”, một nhân viên y tế nói với tờ Malaysiakini của Malaysia.

Cảnh tượng đó khác hẳn với năm ngoái. Khi kết quả chống dịch tốt, Malaysia quyết định tổ chức một cuộc bầu cử ở bang Sabah, bang nghèo nhất của Malaysia vào tháng 8-2020. Trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử, các hãng hàng không đã tăng tần suất bay để đưa đón các chính trị gia và cử tri. Tổng cộng, 257 cuộc tuần hành đã được cấp phép, trong đó nhiều sự kiện không thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang. Vào ngày bầu cử, 1,1 triệu cử tri đã đến các điểm bỏ phiếu.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học quốc gia Singapore phát hiện ra rằng, cuộc bầu cử ở Sabah sau đó đóng góp 70% số ca nhiễm trong chính bang này và ít nhất 64% ở các bang còn lại. Trong những tháng tiếp theo, chính phủ tuyên bố rằng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Việc đi lại giữa các bang vẫn được cho phép, mặc dù từ tháng 10 đến tháng 12, số ca nhiễm tăng lên 10 lần.

Vào tháng 1-2021, các chuyên gia y tế đã viết một bức thư ngỏ gửi Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin về thảm họa sắp xảy ra tại các bệnh viện nếu dịch bệnh không được kiểm soát. Sau những hạn chế nửa vời, Malaysia đành phong tỏa toàn quốc lần nữa vào tháng 6-2021 do không thể ngăn chặn số ca nhiễm cao kỷ lục, với gần 1 triệu người mắc ở một quốc gia chỉ có 32 triệu dân.

Nguyên nhân thất bại

Ngoài sự tự mãn, chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin Yassin còn thiếu sự thống nhất về mặt chỉ đạo điều hành chống dịch. Nội các bao gồm các bộ trưởng từ các đảng khác nhau, nhiều người là đối thủ chính trị của nhau, do đó, họ thiếu tin cậy và bất hợp tác trong công việc tập thể. Các cuộc tranh cãi công khai giữa các phe phái khác nhau trong liên minh cầm quyền đã dẫn đến các quyết định mâu thuẫn và chính sách khó hiểu. Nhiều người Malaysia đã rất tức giận khi họ không nhận được thông tin tuyên truyền và chính sách rõ ràng ở thời điểm cần thiết nhất.

Một yếu tố khác góp phần dẫn đến cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Malaysia hiện nay là uy tín ngày càng giảm sút của chính phủ, bắt nguồn từ giới quan chức. Các bộ trưởng được miễn thời gian cách ly 14 ngày bắt buộc khi từ nước ngoài trở về. Có bộ trưởng đi ăn tại nhà hàng trong thời gian giãn cách. Khi họ bị bắt vì vi phạm các biện pháp chống đại dịch, hình phạt sẽ nhẹ hơn nhiều so với những gì người Malaysia bình thường phải đối mặt.

Những vụ việc này đã gây ra sự phẫn nộ ngày càng tăng của công chúng, khiến nhiều người Malaysia không tuân thủ các quy tắc Covid-19. Lệnh cấm đi lại giữa các quận và liên bang đã bị bỏ qua, trong khi các rào chắn do cảnh sát dựng lên đã bị đốt cháy như một sự thách thức. Hôm 31-7, hàng trăm người ở Thủ đô Kuala Lumpur đã xuống đường biểu tình yêu cầu Thủ tướng từ chức.

Trong đại dịch Covid-19, nhiều ngân hàng lương thực tạm thời đã mọc lên khắp các cộng đồng ở Malaysia để trợ giúp lẫn nhau. Chủ siêu thị nhỏ ở Johor Bahru dựng một giá đựng thực phẩm trước cửa hàng của mình, nhiều người lấy những thứ họ cần nhưng lạ thay, nguồn cung cấp không bao giờ cạn. Thì ra, ngân hàng thực phẩm đó đã được những nhà tài trợ vô danh lặng lẽ bổ sung.

Những câu chuyện tương tự cho thấy, khi đại dịch này kết thúc, những người sống sót sẽ tôn vinh tinh thần cộng đồng đó vì đã giúp họ vượt qua đại dịch, chứ không phải các chính sách thất bại của chính phủ.