Malaysia nổi giận

ANTĐ - Malaysia đang cân nhắc phản ứng cứng rắn hơn trước việc Trung Quốc hung hăng tại Biển Đông. Đây là nhận định được Hãng tin Reuters đưa ra trong một phóng sự công bố ngày 1-6. 

Malaysia nổi giận ảnh 1Tàu tuần tra của Malaysia tiếp cận một tàu Hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng 3  

Theo hãng tin này, Kualar Lumpur gần đây đã có dấu hiệu chuyển biến trong chính sách Biển Đông, từ một thái độ nhẫn nhịn chuyển sang ngày càng cứng rắn hơn trước các động thái áp đặt chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược trọng yếu này.

Reuters đã nêu bật một sự cố xảy ra hồi tháng 3 vừa qua tại khu vực bãi cạn South Luconia, nằm ở phía Nam Biển Đông, hiện do Malaysia quản lý nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Đỉnh điểm là khi các sĩ quan hải quân trên một tàu tuần tra của Malaysia phát hiện một con tàu rất lớn ở ngoài khơi bang Sarawak dường như đang tăng hết tốc độ hướng về phía tàu mình, đồng thời rú còi inh ỏi trước khi rẽ sang hướng khác và để lộ dòng chữ “Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc” bên mạn tàu.

Theo thông tin từ một sĩ quan thuộc Cơ quan Thực thi Luật pháp trên biển Malaysia (MMEA), trước đây họ cũng từng nhiều lần nhìn thấy các tàu lớn của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đi lại xung quanh bãi cạn Nam Luconia, ngoài khơi thị trấn giàu dầu mỏ Miri. Tuy nhiên, việc một tàu hùng hổ tiến gần như trên mới là lần đầu tiên. Sĩ quan yêu cầu giấu tên nói trên đã cho xem một đoạn phim quay lại vụ việc chưa được công bố rộng rãi này cho biết: “Đây có vẻ giống một nỗ lực nhằm tấn công tàu chúng tôi hơn là một sự đe dọa”. Hành động hung hăng nói trên của tàu hải cảnh Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh dư luận Malaysia đang hết sức quan ngại trước vụ hàng trăm tàu cá Trung Quốc xuất hiện trong khu vực South Luconia và có tàu hải cảnh Trung Quốc đi theo bảo vệ.

Chính trong bối cảnh đó, nhiều tiếng nói đã vang lên đòi chính quyền Malaysia phải có phản ứng dứt khoát hơn đối với hành vi coi thường Malaysia của Trung Quốc, từ bỏ thái độ nhẫn nhịn vốn có để khỏi đụng chạm một đối tác thương mại và một nhà đầu tư lớn. Một Bộ trưởng kỳ cựu của quốc gia này cho biết, giờ đây Malaysia cần đứng lên chống lại những vụ xâm phạm lãnh hải như một cách để Trung Quốc không thể phô trương trái phép sức mạnh trên Biển Đông.

Trước đó, thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây quan ngại cho Philippines, Việt Nam và một số quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền lãnh hải ở vùng biển chiến lược này. Nó cũng khiến căng thẳng Mỹ - Trung Quốc gia tăng, khi mà cả hai cường quốc kinh tế này đều cáo buộc nhau quân sự hóa tuyến hàng hải nhộn nhịp vận chuyển một lượng hàng hóa trị giá tới 5.000 tỷ USD mỗi năm.

Liên tiếp trong hai năm 2013-2014, hải quân Trung Quốc đã hai lần kéo đến tập trận ngay tại bãi cạn James Shoal mà Malaysia tuyên bố chủ quyền, cách bờ biển bang Sarawak không đầy 50 hải lý. Thế nhưng Kuala Lumpur đã công khai giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của hành vi khiêu khích đó. Cũng như vậy, Malaysia cũng đã làm ngơ trước vụ ngư dân Malaysia ở cảng Miri, bang Sarawak bị lực lượng vũ trang trên tàu Cảnh sát biển Trung Quốc ức hiếp. Sự phụ thuộc của Malaysia vào Trung Quốc phần nào giải thích cho thái độ ngập ngừng của Kuala Lumpur khi quyết định có phản ứng cứng rắn hơn.

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu hàng đầu của Malaysia và trong số 10 nước thành viên ASEAN thì Malaysia cũng là nhà nhập khẩu lớn nhất hàng hóa và sử dụng dịch vụ của Trung Quốc. Để cân bằng giữa mục đích đảm bảo an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế, Malaysia đang theo đuổi nhiều chiến lược bao gồm việc tăng cường năng lực giám sát và phòng vệ trong khi thúc đẩy việc đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trên Biển Đông (COC). Thế nhưng, sau vụ hàng trăm tàu cá Trung Quốc tại bãi cạn South Luconia, Malaysia dường như đã thay đổi thái độ.

Theo Reuters, một sĩ quan cấp cao của Malaysia đã cho rằng Kuala Lumpur giờ đây cần phải đứng lên chống lại những hành vi xâm nhập hải phận Malaysia do Trung Quốc tiến hành. Để trấn an dân tình, chính quyền Kuala Lumpur còn thông báo cho triển khai tàu hải quân đến khu vực và trong một động thái hiếm hoi, cho triệu Đại sứ Trung Quốc đến để yêu cầu giải thích rõ vụ việc. Vấn đề là Bắc Kinh vẫn phớt lờ sự phản đối của Kuala Lumpur.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không hề nhận lỗi với luận điệu phi lý cố hữu là tàu cá của họ chỉ đánh bắt bình thường ở “các vùng biển liên quan”? Chỉ hai tuần sau, Malaysia đã công bố các kế hoạch mở một căn cứ hải quân ở gần Bintulu, phía Nam Miri. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nhấn mạnh rằng căn cứ này sẽ là nơi triển khai máy bay trực thăng, máy bay không người lái và một lực lượng đặc nhiệm có nhiệm vụ bảo vệ các mỏ khí đốt và dầu lớn của đất nước trước những vụ tấn công tiềm tàng của các phần tử có quan hệ với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Nam Philippines, cách khu vực này khoảng vài trăm km về phía Bắc. Tuy nhiên, một số quan chức và giới chuyên gia cho rằng các hành động của Trung Quốc ở ngoài khơi mới là vấn đề nghiêm trọng. 

Phải chăng thái độ “ngoan cố” của Trung Quốc đã khiến Malaysia nổi giận? Đề cập đến thái độ cứng rắn hơn của Malaysia, một quan chức kỳ cựu nói với Hãng tin Reuters rằng Kualar Lumpur cần thực hiện những hành động quyết đoán hơn trước sự xâm phạm lãnh hải hoặc những nguy cơ có thể xảy ra. Quan chức giấu tên này nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa phản ứng của Malaysia hồi tháng 3 vừa qua với phản ứng trước một vụ việc tương tự diễn ra chỉ cách đây vài ngày của Indonesia. Ông nói: “Khi người Trung Quốc đi vào vùng biển của Indonesia, họ đã lập tức bị săn đuổi, nhưng khi tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của chúng ta thì chẳng ai làm gì cả”. 

Tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia đã phát biểu trước Quốc hội nước này rằng giống như các nước khác trong ASEAN, Malaysia không công nhận Đường 9 đoạn (đường chữ U hay còn gọi là đường “lưỡi bò”) phi lý mà Trung Quốc tự vẽ ra để yêu sách chủ quyền tới 90% diện tích Biển Đông. Như vậy, có thể thấy, ngay cả một nước thân Trung Quốc như Malaysia giờ đây cũng đang có thái độ khó chịu đối với những hành động bành trướng hung hăng quá đáng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Có thể thấy, nếu Trung Quốc không sớm thay đổi cách hành xử ngang ngược của mình, chắc chắn là Bắc Kinh sẽ ngày càng mất thêm nhiều bạn bè quốc tế.