Malaysia gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phái đoàn thường trực của Malaysia tại Liên hợp quốc vừa gửi công hàm số HA26/20 tới Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong đó khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể tại Biển Đông không có cơ sở pháp lý. 

Malaysia gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh 1Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp

Phái đoàn thường trực của Malaysia tại Liên hợp quốc cho biết, công hàm HA26/20 gửi ngày 29-7 vừa qua thể hiện quan điểm của quốc gia Đông Nam Á này đối với công hàm CML/14/2019 ngày 12-12-2019 của Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc. Công hàm số CML/14/2019 của Trung Quốc có nội dung phản đối bản đệ trình của Malaysia nộp lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên hợp quốc xin làm rõ và công nhận giới hạn vùng thềm lục địa của nước này ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước này ở Biển Đông.

Do đó với công hàm ngày 29-7, Malaysia khẳng định đệ trình này phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của Malaysia trong việc phân định giới hạn bên ngoài của thềm lục địa.  

Nội dung công hàm của Malaysia nêu rõ, liên quan đến tuyên bố của Trung Quốc trong các đoạn thứ hai và thứ ba của công hàm CML/14/2019, Chính phủ Malaysia bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán khác đối với vùng lãnh hải thuộc Biển Đông được bao phủ trong phạm vi của cái gọi là “đường 9 đoạn” vì các tuyên bố này trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển          (UNCLOS) năm 1982 và không có hiệu lực pháp lý khi vượt quá giới hạn địa lý và các quyền hàng hải của Trung Quốc theo quy định của Công ước Luật Biển.

Chính phủ Malaysia cho rằng, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể tại Biển Đông không có cơ sở theo luật pháp quốc tế và quốc gia Đông Nam Á này bác bỏ toàn bộ nội dung của công hàm CML/14/2019. Bên cạnh đó, phái đoàn thường trực của Malaysia tại Liên hợp quốc cũng đề nghị Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) tiếp tục tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định đối với bản Đệ trình mà Malaysia đã gửi lên Liên hợp quốc ngày 12-12-2019.

Trước đó, trong thông cáo báo chí về quan điểm của Malaysia đối với tuyên bố ngày 13-7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishamuddin Hussein nhấn mạnh Malaysia sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo Biển Đông là vùng biển của hòa bình và thương mại.

Các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết hòa bình dựa trên các nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Bộ trưởng Hishamuddin nhấn mạnh Malaysia hy vọng các cuộc thảo luận tiếp theo sẽ đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.

Ngày 15-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.

Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này. Năm 2016, Tòa trọng tài quốc tế tuyên bố bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc và các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế  và thềm lục địa.