Maika Elan nhân văn và gai góc qua ống kính máy ảnh

ANTD.VN - Đó là một người phụ nữ nhỏ nhắn với vẻ ngoài giản dị, có phần ít nói nhưng tinh tế, khiêm nhường và luôn cười thật tươi. Tuy nhiên, thế giới mà tác phẩm của nữ nhiếp ảnh gia Maika Elan mang lại luôn rực rỡ sắc màu cuộc sống. Ở đó, những số phận con người luôn đẹp đến nao lòng. 

Yêu là yêu

Maika Elan (tên thật là Nguyễn Thanh Hải) là nữ nhiếp ảnh gia đã đoạt giải Nhất hạng mục “Các vấn đề đương đại”, thể loại Phóng sự ảnh tại Cuộc thi Ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) năm 2013. Cô cũng là 1 trong 54 nhiếp ảnh gia đến từ 32 quốc gia được vinh danh năm nay và cũng đồng thời là nhiếp ảnh Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng này. Maika Elan còn là nhiếp ảnh gia của Việt Nam được chọn trong chương trình “Tài năng Toàn cầu 6X6” khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương.

Mới đây, vào những ngày tháng 10-2018, bộ hình mới nhất “Hà Nội mỗi bước chân” ghi lại khung cảnh Thủ đô buổi sớm tinh khôi của Maika nhận được hơn 1.000 lượt chia sẻ chỉ sau nửa ngày đăng tải. Những bức ảnh mang đặc trưng của Thủ đô với từng góc phố, từng gương mặt. Không phải ai cũng có sự cảm nhận tinh tế về một Hà Nội vốn dĩ vội vã, xô bồ... Đó là những bức ảnh không theo nguyên tắc, không kĩ thuật, không hoàn hảo, mà đơn giản là: “Đừng nghĩ, cứ chụp đi”, và bởi thế, nó đẹp như cuộc sống và ngập tràn màu sắc.

Từ đề tài gai góc…

Lần cầm máy ảnh chụp bức đầu tiên vào năm 2005, người con gái nhỏ nhắn ấy đã lang thang khắp các vùng ngoại ô ở Việt Nam với hình ảnh cuộc sống của những người nông dân, những em bé nông thôn, những cánh đồng ngút mắt. Sau 5 năm cầm máy, Maika mới chuyển sang chụp ảnh tư liệu và quan tâm nhiều hơn đến các đề tài xã hội - “Tôi rất quan tâm đến con người và sự lựa chọn của họ với cuộc sống xung quanh. Là sự lựa chọn giữa con người với con người; con người với lối sống, với văn hóa bản địa. Tôi luôn thắc mắc: Lý do gì họ lại lựa chọn cuộc sống như vậy?”.

“Có rất nhiều vấn đề xã hội khi bạn nhìn vào nó, rất khó để tiếp nhận. Với góc nhìn nghệ thuật, nó sẽ đẹp, gần gũi và dễ được chấp nhận hơn. Đó là cách tôi chọn trong nhiếp ảnh”.

Nhiếp ảnh gia Maika Elan

Dự án đầu tiên mà nữ nhiếp ảnh gia lựa chọn là Pink Choice - hành trình tiếp xúc 100 cặp đồng tính khắp đất nước chỉ để chụp 10 bức ảnh gai góc nhất nhằm phản ánh lại những vấn đề xã hội mà nhiều người vẫn cho là nhạy cảm theo một cách gần gũi và dễ đồng cảm hơn.

Ban đầu, Maika cũng hỏi bạn bè xung quanh về quan điểm của họ với vấn đề đồng tính. “Hầu hết ai cũng cởi mở, cảm thông với người đồng tính. Nhưng khi tôi cho họ xem những bức ảnh hơi riêng tư của người đồng tính như ôm hôn thì đa số lại sợ, không muốn xem. Sự cảm thông là có nhưng chưa thật sự đến từ trong lòng mỗi người”. Vì vậy Maika đã quyết định lựa chọn những khoảnh khắc riêng tư, thật đời thường và thật đẹp để những cảm xúc đẹp đẽ đó sẽ chạm vào tâm can mỗi con người.

Nhớ về hành trình này, ban đầu, Maika phải nhờ đến sự giúp đỡ của anh Nguyễn Văn Dũng, tác giả cuốn tự truyện “Bóng” - người đồng tính công khai đầu tiên tại Việt Nam. Nữ nhiếp ảnh gia thậm chí phải tự nhận mình là người đồng tính để dễ dàng hòa nhập và nhận được sự đồng thuận của các nhân vật. 

Câu chuyện trong quá trình thực hiện những bức ảnh tình yêu đồng giới đã được Maika nhớ mãi là lần cô chụp một cặp đồng tính nữ tại TP.HCM hẹn nhau ở một góc phố gần nhà trọ. Trời mưa to, điện thoại bất ngờ bị hỏng, Maika không tìm được địa chỉ, hai bạn nữ kia cũng lại đội mưa đi lòng vòng quanh góc phố tìm chị. Tới khi về nhà, căn phòng trọ chỉ rộng khoảng 6m2, Maika phải ngồi lên thùng rác ở góc nhà để chụp còn hai bạn gái ngồi trên giường cùng xem phim ma. Cứ như vậy suốt 5 tiếng đồng hồ. Và khoảnh khắc về cặp đôi đó là một trong những bức ảnh ấn tượng mà Maika đem lại với vẻ đẹp của yêu thương và tự nhiên như hơi thở...

Những đứa trẻ bị mắc kẹt

... Đến “Những đứa trẻ bị mắc kẹt”

Maika còn một bộ ảnh thật sự làm người xem phải suy ngẫm. Đó là bộ ảnh được thực hiện ở Nhật Bản: “Hikikomori - những đứa trẻ bị mắc kẹt”. Hikikomori được ghép bởi hai chữ: “Hiku” có nghĩa là kéo, “komori” trong tiếng Nhật là nghỉ ngơi. Dịch đơn giản, hikikomoro có nghĩa “tự rút lui và nghỉ ngơi”.

Các Hikikomori thường đến từ các gia đình trung lưu, đa phần là nam giới, được học hành tử tế và có độ tuổi trung bình từ 14 đến 50. Họ sống giam mình trong phòng, tách biệt và từ chối mọi liên hệ với xã hội bên ngoài. Họ ngủ ban ngày, thức ban đêm để chơi game, đọc truyện tranh, xem tivi, lướt web. Tình trạng giam mình trong phòng từ 6 tháng trở nên dẫn tới 10 năm và có khi là vĩnh viễn. Đã có trên 1 triệu người Nhật Bản mắc phải - thế hệ “lost generation” (thế hệ lạc lối) trong thế giới riêng của mình, chỉ giam mình trong 4 bức tường: Không muốn đi học, không đi làm, không giao du với bạn bè, không lấy vợ, không kết hôn.

Bộ ảnh không chỉ phản ánh một thực tế xã hội mà đặt ra các giải pháp cho lứa Hikikomori đầu tiên đang già: 40-50 tuổi. Nếu bố mẹ họ mất đi, họ sẽ sống như thế nào? Các bạn tuổi thiếu niên không đi học, không bằng cấp, họ sẽ làm gì để sống?

Maika kể về một nhân vật của mình, điều mà xã hội Việt Nam rồi cũng sẽ phải đối mặt. Bạn Hashimoto Masaya là người học rất giỏi và đạt thành tích cao ở trường nhưng lại không được bố mẹ ghi nhận. Anh luôn bị giằng co giữa hai khái niệm “người thắng, kẻ thua” nên lúc nào cũng chỉ muốn về nhất cho đến khi không thể giữ được danh hiệu “học sinh danh dự”, anh quyết định trở thành Hikikomori.

Tự giải thoát mình, Hashimoto Masaya đã ra khỏi căn phòng tù túng và đi du lịch bằng tàu vòng quanh thế giới, nhưng mọi việc sau đó lại tồi tệ hơn, chuyến đi không giúp anh cảm thấy khả quan hơn mà còn khiến anh quyết định tự giam mình lại trong phòng một lần nữa, và nó nặng nề hơn trước rất nhiều khi lần này anh giam mình trong phòng tới 7 năm. Bố mẹ đã phải nhờ sự giúp đỡ của xã hội mới có thể kéo anh ra khỏi lãnh địa của mình...

Những dấu ấn của Maika trong làng nhiếp ảnh thế giới đã xóa đi định kiến về những người phụ nữ cầm máy ảnh và cũng chính là động lực thôi thúc các nhiếp ảnh gia thử sức với những đề tài xã hội nhạy cảm, ít được nói đến để có thêm nhiều Maika hơn nữa, có thêm nhiều câu chuyện nhân văn và đẹp như Pink Choice đến thế! 

Nữ nhiếp ảnh gia Maika Elan:

- Đoạt giải Nhất hạng mục “Các vấn đề đương đại”, thể loại Phóng sự ảnh tại Cuộc thi Ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) năm 2013, là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng này.

- Là 1 trong 54 nhiếp ảnh gia đến từ 32 quốc gia được vinh danh tại World Press Photo năm 2018.

- Là nhiếp ảnh gia của Việt Nam được chọn trong chương trình “Tài năng Toàn cầu 6X6” khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương.