“Mài sắc” Luật Cạnh tranh

ANTĐ - Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm nước ta sử dụng 50.000-70.000 tấn dược liệu, trong đó gần 90% nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Nghịch lý là, nước ta có tiềm năng rất lớn về dược liệu, nhưng hầu hết bị thương lái Trung Quốc thu mua và khai thác cạn kiệt. Qua kiểm nghiệm gần 400 mẫu nhập khẩu, có tới 60% mẫu chưa đạt chất lượng, trong đó 20% bị trộn tạp chất hoặc tẩm ướp hóa chất. Theo nhiều chuyên gia, chúng ta đang “bán” cái chất lượng, mua cái rác rưởi.

Tại một cuộc bàn tròn có sự tham gia của các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhiều ý kiến tập trung thảo luận làm thế nào giải quyết nghịch lý trên để khai thác tiềm năng nguồn dược liệu trong nước, nhất là mâu thuẫn giá cả thuốc nội, thuốc ngoại đang cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Hiện nay, thuốc do Việt Nam sản xuất chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của người dân, 50% còn lại phải nhập khẩu. Thị trường dược phẩm đang xuất hiện hàng loạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước như “bắt tay” nhau thỏa thuận chèn ép giá cả cạnh tranh, lạm dụng vị thế độc quyền. Theo Trưởng ban Giám sát và quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), nằm trong top 10 doanh nghiệp sản xuất dược ở Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp Nhà nước. 10 doanh nghiệp đứng hàng đầu nhập khẩu lại chiếm ưu thế cao. Song, thị phần dược có mức độ tập trung thấp nên sự cạnh tranh gay gắt, đương nhiên giá thuốc phải giảm và người dân được hưởng lợi. Thế nhưng thực tế vẫn tồn tại sự trái khoáy là giá thuốc vẫn tăng cao dù thị phần của doanh nghiệp không cao. Đáng quan tâm là, thuốc sản xuất trong nước dường như không tăng giá đột biến, mà tăng giá thường rơi vào các sản phẩm thuốc nhập khẩu, nhất là các loại biệt dược. 

Trưởng ban Giám sát và quản lý cạnh tranh nhận định, sở dĩ tăng giá thuốc phần lớn là do tình trạng thỏa thuận dọc và ngang trong phân phối dược phẩm, có nghĩa là thỏa thuận và liên kết giữa nhà sản xuất với các nhà phân phối và các hành vi lạm dụng quyền lực thị trường vô hình. Sự độc quyền là một trong những nguyên nhân làm tăng giá thuốc. Theo một Thứ trưởng Bộ Y tế, sắp tới Bộ sẽ quản lý chặt chẽ hơn việc đấu thầu thuốc đầu vào tại các bệnh viện. Tuy vậy, hành lang pháp lý kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh chưa đủ và chưa cụ thể để xử lý các doanh nghiệp “bắt tay nhau” ngấm ngầm phân chia thị trường, định giá thuốc cao, từ đó thao túng thị trường để thu lợi do giá thuốc tăng. 

Kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh, các thỏa thuận liên kết dọc, các giao dịch thâu tóm của doanh nghiệp dược nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, quả là công việc không đơn giản. Trong khi đó, tham gia vào hệ thống phân phối thuốc nhập khẩu lại có quá nhiều đối tượng, nhiều tầng nấc trung gian. “Vũ khí” duy nhất là mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh, với những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, “mài sắc” công cụ pháp luật để viên thuốc đến tay người bệnh đúng giá.