“Mai này lớn lên, ba cho con ra biển làm lính đảo”

ANTĐ - Đó là những tâm sự của người con gái bé bỏng trong bức thư “Gửi bố ở Trường Sa” của Phạm Thùy Linh (học sinh lớp 8D, trường THCS Tô Hoàng, Hà Nội). Dù chỉ hóa thân vào nhân vật cô con gái, và đặt mình vào hoàn cảnh của một người bạn có bố đang làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa nhưng với Phạm Thùy Linh đó cũng chính là tâm sự thật của em. Bức thư của Linh đã đoạt giải Nhì cuộc thi Viết thư UPU Quốc tế lần thứ 43 của Việt Nam.

“Vào vai” người bạn

Bức thư “Gửi bố ở Trường Sa” lay động nhiều bạn đọc trong suốt tuần qua, khi được công bố đoạt giải Nhì cuộc thi Viết thư UPU Quốc tế lần thứ 43 của Việt Nam. Ít ai nghĩ rằng những lời lẽ chân thật, xúc động, chất chứa yêu thương, nhớ mong xen lẫn tự hào trong bức thư ấy lại là của một cô bé có bố… không ở Trường Sa. Phạm Thùy Linh cho biết bố em là một công chức bình thường, sáng đi làm và tối về quây quần bên gia đình. Bởi vậy khi hóa thân vào một người con có bố ở xa, biền biệt cả năm không được gặp em đã phải nhiều đêm suy nghĩ để hình dung, tưởng tượng tâm trạng của mình sẽ ra sao. Ý tưởng này được lấy cảm xúc từ một câu chuyện của người bạn thân hồi học Tiểu học. “Hồi ấy em chơi rất thân với bạn, thường đến nhà bạn chơi. Bạn có bố là lính ở đảo Trường Sa và thường hay tâm sự rất nhớ bố. Nhà bạn ấy có một chiếc đàn guitar treo ở góc nhà, bạn kể được bố tặng lại trước khi ra đảo để bạn học đàn. Sau này vì điều kiện bạn phải chuyển đi xa nhưng hình ảnh bạn và câu chuyện về người bố công tác nơi đảo xa em vẫn nhớ rất rõ”.

“Mới đầu khi biết chủ đề cuộc thi viết năm nay là “Hãy viết một bức thư diễn tả âm nhạc có thể lay động đời sống như thế nào” em đã suy nghĩ về việc sẽ viết một bức thư gửi cho các bạn khiếm thị, vì trước đó ít hôm chúng em đã có cuộc giao lưu với các bạn  trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu làm em rất xúc động. Sau đó mẹ em (là giáo viên dạy văn) đã gợi ý cho em viết thư gửi các chú đang công tác ở đảo Trường Sa, em chợt nhớ đến người bạn cũ và nói với mẹ là con sẽ hóa thân vào người con có bố công tác ở Trường Sa. Mẹ em đã ủng hộ ý tưởng của em” - Linh kể. 

Tình yêu biển đảo ngấm vào máu thịt

Có một điều làm chúng tôi xúc động khi đến trường THCS Tô Hoàng, đó là ở đây tinh thần yêu nước, yêu biển đảo quê hương được nhà trường đặc biệt quan tâm giáo dục đến các em học sinh. Hiếm có ngôi trường nào mà học sinh và cả các giáo viên được tìm hiểu, được nhen nhóm, bồi đắp tình yêu với biển đảo quê hương như ở đây. Những panô, áp phích về biển đảo được trang trí rất đẹp mắt ngay ở sân trường từ nhiều năm nay. Giáo viên trong trường đồng loạt để nhạc chờ điện thoại bằng những câu hát xúc động trong bài hát Nơi đảo xa (nhạc sĩ Thế Song). Mỗi tuần, các em học sinh đều có một tiết sinh hoạt vào thứ 6 để các em được tìm hiểu, được nghe và tự khám phá các chủ đề về Hoàng Sa, Trường Sa, biển đảo Tổ quốc. Những hoạt động này được duy trì nhiều năm nay. Nhà trường cũng đang chuẩn bị phát động các em học sinh viết thư gửi các chú bộ đội công tác ngoài đảo Hoàng Sa, Trường Sa. “Có thể tự hào mà nói với các em học sinh và giáo viên trường THCS Tô Hoàng, tình yêu biển đảo quê hương đã ngấm vào máu thịt” - cô 

Trần Thu Thủy - Phó tổng phụ trách Đội chia sẻ.

Điều này phần nào đã lý giải sự ngạc nhiên của chúng tôi, vì sao Thùy Linh có thể “nhập vai” người con gửi bố ở Trường Sa “ngọt” và có những câu chữ xúc động đến vậy. Linh tâm sự, tình yêu biển đảo của em đã được bồi đắp suốt những năm học trung học, và em đã bỏ rất nhiều thời gian để lên mạng tìm hiểu về những người lính đang chiến đấu ở ngoài đảo xa để hiểu cuộc sống của họ, để yêu họ hơn. “Mặc dù chưa một lần được gặp, được trò chuyện với các chú nhưng em thường tưởng tượng ra những hình ảnh rất đẹp về biển đảo, về người lính hải quân. Nơi các chú đứng có tiếng sóng biển, có cát trắng trải dài, có ánh mặt trời, có lá cờ bay phấp phới và các chú cầm chắc tay súng hiên ngang giữa biển trời mênh mông. Em luôn mong ước một ngày lớn được ra thăm các chú bộ đội ở ngoài đảo, em sẽ gửi tặng các chú bức thư mình đoạt giải và nhờ các chú dạy đàn cho” - Linh tâm sự.

Ba kính yêu của con!

“Nơi anh đến là biển xa. Nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình yêu quê nhà…”, những câu hát ấy vang lên qua loa phát thanh phường, dù ngắn ngủi nhưng khiến con bồi hồi, xúc động vô cùng. Con liền cầm bút viết lá thư gửi tới ba. Dẫu biết rằng khoảng cách giữa đất liền và Trường Sa xa lắm, nhưng con tin, ở nơi ấy, ba sẽ cảm nhận được tình cảm sâu sắc của cô con gái yêu. Con nhớ ba thật nhiều!

Hôm nay là ngày nghỉ cuối tuần. Tiếng sóng biển vẫn đang hòa nhịp cùng tiếng đàn guitar và lời ca tiếng hát của các chiến sĩ, ba nhỉ! Con nhớ ba kể cho con nghe về cuộc sống còn nhiều khó khăn, gian khổ của những lính đảo, nhưng ai ai cũng luôn chắc cây súng trong tay để bảo vệ biển trời quê hương. Sau những giờ thực hiện nhiệm vụ, họ lại ngồi bên nhau, đàn hát cho nhau nghe. Những buổi tối sinh hoạt văn nghệ cuối tuần như thế này, một dòng thư, một lời nói cũng có thể trở thành một giai điệu ngọt ngào; một bài hát có thể được hát đi hát lại nhiều lần mà vẫn rất say mê”…

(Trích bức thư “Gửi bố ở Trường Sa” của em Phạm Thùy Linh)