Mái ấm đích thực

ANTĐ -Ai cũng nghĩ cuộc đời chị rồi đây cũng sẽ chẳng thấy đường đi như chính đôi mắt của người chồng, nhưng lần lên xe hoa này lại là bước ngoặt lớn trong cuộc đời chị Luyến.

Ai cũng nghĩ cuộc đời chị rồi đây cũng sẽ chẳng thấy đường đi như chính đôi mắt của người chồng, nhưng lần lên xe hoa này lại là bước ngoặt lớn trong cuộc đời chị Luyến.

5 người trong gian nhà đất lụp sụp, thức ăn hàng ngày chỉ là cơm muối và mấy cây rau, chị Luyến phải bỏ học từ năm lớp 4 để theo bố mẹ ra đồng cắt cỏ thuê. Năm 16 tuổi chị được người bác ở Móng Cái (Quảng Ninh) xin cho đi rửa bát thuê trong một cửa hàng ăn. Một cô gái thôn quê ra phố lập nghiệp, chị giống như “Cô Tấm ngày nay”, lặng lẽ làm việc, không đua đòi hay mua sắm. Hai năm trôi qua mà trông chị vẫn như ngày đầu lên phố. Thế nhưng...

Một buổi chiều cuối năm, chiếc xe du lịch 24 chỗ ngồi đỗ ngay trước cửa nhà chị Luyến ở quê nhà. Chị bước xuống. Trông chị hôm nay thật khác.

Chị xinh xắn trong bộ áo dài nhưng nét mặt có vẻ ngại ngùng và đôi mắt như muốn trào lệ. Xuống ngay sau chị là một người phụ nữ trạc ngũ tuần, điệu bộ khinh người ra mặt. Thì ra là đám cưới chị. Một đám cưới không có chú rể; một đám cưới gượng ép và gấp gáp khi cái thai trong bụng chị cứ lớn dần, lớn dần...

Gã Sở Khanh ấy trong một lần đến ăn cơm tại cửa hàng tình cờ thấy cô gái “chân quê” đang rửa bát đã giở trò dụ dỗ, tán tỉnh. Lần đầu tiên có người “để ý đến mình” trong lòng chị ngập tràn niềm vui. Chị đã ngã vào vòng tay hắn lúc nào, ở đâu không ai hay biết. Khi mang thai vì quá hốt hoảng mà “người yêu” sau lần ấy chẳng thấy mặt mũi đâu chị đã kể hết mọi chuyện cho người bác nghe. Bác chị vừa chua mặt, vừa tái lòng nhưng vì không còn con đường lựa chọn nào khác đành dẫn cháu đến nhà gã họ Sở (ngôi nhà chị đã cố gắng tìm kiếm trong suốt 4 tháng qua), thì nhận được những tiếng thở dài đến ngao ngán của bà mẹ:

- Cô không phải người đầu tiên đến trong tình trạng này. Nó có mấy khi ở nhà đâu mà tôi cũng chẳng biết nó đi đâu, làm gì. Nhưng nếu cô muốn chút danh phận tôi cũng sẽ làm như những lần trước. Vợ chồng tôi sẽ về quê xin

phép gia đình cho cô làm dâu nhà này. Những tôi nói trước với cô, cả việc sinh con lẫn chỗ ở đều ở nhà bố mẹ cô hay ở chỗ nào là tuỳ chứ chúng tôi không chấp nhận một đứa con dâu nào sống trong nhà này hết và từ nay cô sẽ là gái có chồng nhưng lại không có chồng? Hãy chấp nhận vì đứa con.

Chị Luyến như chết lặng. Hình ảnh bố mẹ lam lũ, ngày ngày nặng trên vai những gánh cỏ, hình ảnh ngôi nhà đất lụp sụp và những đứa em chờ chị gửi tiền về mua quần áo mới bỗng chốc hiện về nhưng chị bỗng giật mình khi đưa tay sờ lên bụng. Chị gật đầu chấp nhận điều kiện của “mẹ chồng” trong khi nước mắt vẫn chảy dài trên gương mặt xanh xao đầy hốt hoảng.

Bé Hương ra đời trong tình thương của mẹ, ông bà ngoại, cậu, dì bé và những người hàng xóm. Nhìn con khôn lớn từng ngày trong cảnh đói khát, không bố, thiếu tình thương của bên nội chị không khỏi tái lòng. Bản thân chị Luyến cũng biết sẽ chẳng ai dám dang tay nhận con chị làm con mình và gánh lấy giang sơn nhà chị.

5 năm sau, cũng vào những ngày cuối năm người ta lại thấy chị mặc áo dài, tóc vấn hoa. Chị lại xinh như ngày ấy nhưng gương mặt vẫn không tránh khỏi nét u buồn. Đó là đám cưới giữa chị và anh Trực. Anh Trực năm nay đã ngoài 40 tuổi, đôi mắt không nhìn thấy gì. Được mọi người giới thiệu, bố mẹ anh đánh bạo sang gặp gia đình chị Luyến và xin phép cho chị về làm dâu nhà họ. Nhìn anh, nhìn con chị lặng lẽ gật đầu mà không biết ngày mai cuộc đời mình sẽ về đâu.

Nhưng gia đình anh Trực chiều mẹ con chị hết mức, anh thì tâm lý và yêu bé Hương chẳng khác gì con đẻ của mình. Nhìn cảnh vợ kéo xe bò, chồng đẩy phía sau, mồ hôi thấm ướt áo, nụ cười xen lẫn trong câu chuyện không khi nào ngừng của hai vợ chồng mà ai cũng mừng thầm cho chị. Vậy là, chị đã tìm được cho mình một mái ấm đích thực. Mái ấm ấy càng hạnh phúc khi cu Gion ra đời. Cu Gion nằm gọn trong bàn tay bố, đôi mắt sáng long lanh...