Mafia… ăn mày

ANTĐ - Hàng chục nghìn trẻ em tại khu vực Nam Á, nhất là Pakistan và Ấn Độ mất tích mỗi năm. Nhiều đứa trẻ trong số này rơi vào bẫy của bọn “Beggar mafia” (các mạng lưới tội phạm ép buộc trẻ em hành nghề ăn xin để kiếm tiền cho chúng). Bọn chúng bắt cóc hay mua trẻ em từ bọn buôn người Rồi “biến” những đứa trẻ tội nghiệp thành tàn phế, đẩy ra đường ăn xin, bán đĩa DVD lậu, các loại chất ma túy và nô lệ tình dục. Để khống chế, sai bảo, bọn chúng còn ép “đội quân ăn xin” này nghiện rượu và nghiện charras (một loại ma túy)...

Tại Pakistan: một nghề kinh doanh béo bở 

Hiện tượng trẻ em ăn xin tại các ngôi đền Hồi giáo trở nên phổ biến đến mức cảnh sát hiếm khi can thiệp. Một vài giờ quan sát tại bất kỳ đền thờ ở Pakistan sẽ cho thấy, những người ăn xin bị khuyết tật thường được chú ý hơn và được bố thí tiền nhiều hơn. Trong một số trường hợp, những đứa trẻ không bị tàn tật cũng bị bọn tội phạm biến thành tàn tật! Thậm chí trẻ con bị cưa mất chân để đi ăn xin. Tóc của chúng cũng bị giật đứt và một mắt bị chọc cho mù. Ý đồ của bọn tội phạm là sử dụng những đứa trẻ bất hạnh để khơi gợi lòng thương cảm của người hành hương mà móc túi họ một cách nhẫn tâm”. Những đứa trẻ này sẽ “thu nhập” được 400-500 rupi/ngày - số tiền này gấp đôi số tiền lương/ngày của một công chức.

Tài xế taxi Mir Mohammed sống với vợ và 3 đứa con ở thành phố Hyderabad, cách Karachi khoảng 1 giờ đường ôtô. Cậu con trai lớn Mumtaz của ông vừa mới mất tích. Mohammed kể: “Thằng bé bị tàn tật, không thể tự làm được bất cứ việc gì, kể cả việc chăm sóc bản thân. Sau một lần phải ngồi xe lăn ra đường, rồi kể từ đó nó không về nhà. Chúng tôi không biết tìm nó ở đâu. Một số người cho biết Mumtaz bị người lạ đưa lên một chiếc xe kéo. Chắc chắn đó là bọn mafia khai thác trẻ ăn xin. Một đứa như Mumtaz được coi là đắt giá cho bọn chúng. Chúng tôi đã tới nhiều đền thờ để tìm con, nhưng không thấy Mumtaz. Chúng tôi rất tuyệt vọng”.

Các nhân viên tổ chức Roshni Helpline của Mohammed Ali dán ảnh của Mumtaz khắp các ngôi đền và yêu cầu cảnh sát vào cuộc tìm kiếm đứa trẻ mất tích. Nhưng, do tính phức tạp của vấn đề và số lượng quá đông của những ngôi đền Hồi giáo khắp Pakistan, cùng với việc quá nhiều trẻ em mất tích nên Mumtaz vẫn bặt vô âm tín.

Ăn xin đã trở thành nghề kinh doanh béo bở của bọn tội phạm có tổ chức ở Pakistan. Bởi trẻ ăn xin có thể kiếm được 600 rupe (khoảng 6 USD) một ngày, thu nhập cao hơn rất nhiều so với khi làm những công việc tay chân hoặc một nhân viên công chức. Ở thành phố Rawalpindi thuộc tỉnh Punjab, miền Bắc Pakistan, rất nhiều trẻ em dưới 12 tuổi không chỉ để kiếm tiền mà còn phải nộp tiền hàng tuần hay hàng tháng cho bọn trùm mafia. Cậu bé Mukhtiar, 12 tuổi, ăn xin ở khu trung tâm mua sắm Saddar ở Rawalpindi cho biết, tiền ăn xin dành để nộp cho các trùm băng nhóm mafia - và cho cảnh sát nếu không sẽ bị đánh đập rồi trục xuất khỏi khu vực. 

Tại Ấn Độ: Mỗi năm, 44.000 trẻ rơi vào bẫy của “mafia ăn xin” 

Ăn xin không chỉ trở thành nghề kinh doanh béo bở của bọn tội phạm có tổ chức ở Pakistan, mà còn ở Ấn Độ hiện nay. Bởi trẻ ăn xin có thể kiếm được 600 rupe (khoảng 6 USD) một ngày hay nhiều hơn thế, trong khi làm những công việc tay chân suốt ngày hoặc nhân viên công chức đều không bằng.

Chỉ riêng ở Mumbai, bọn “mafia ăn xin” đã bỏ túi được hơn 20 triệu bảng Anh/năm và một số cảnh sát biến chất trở thành kẻ “nâng đỡ” cho chúng. Theo số liệu thống kê chính thức, có đến 44.000 trẻ rơi vào bẫy của “mafia ăn xin” ở Ấn Độ mỗi năm và trong đó có hàng trăm đứa trẻ bất hạnh bị cắt cụt tay hoặc chân. Tuy nhiên, một số tổ chức từ thiện đánh giá con số đó có thể đến 1 triệu. Hầu hết các nạn nhân từ 2-8 tuổi. Sau khi bị bắt cóc, các em được dạy các kỹ thuật ăn xin. Những đứa trẻ bị bỏ đói, khóc, kêu la liên tục. Ý đồ của bọn chủ là lôi kéo người qua đường động lòng thương mà cho tiền. 

Dalbeer, 15 tuổi, là một nạn nhân nhỏ tuổi khác của bọn “mafia ăn xin” ở Ấn Độ. Sau khi cha mẹ qua đời, Dalbeer phải lang thang ra ga xe lửa để ăn xin và rồi một ngày gặp 2 người lạ đến thân thiện nói chuyện. Họ bảo sẽ đưa em đến Nagpur, thành phố cách Mumbai cả nghìn km, để có cuộc sống tốt hơn. Đến nơi, Dalbeer - cùng với vài đứa trẻ khác - bị cắt đứt chân tay rồi bị đưa về Mumbai để ăn xin. Chân của Dalbeer bị cưa ngay tại bệnh viện mà Aamir đã là nạn nhân trước đó. 

Trong thành phố Mumbai hỗn loạn, đội quân trẻ ăn xin tràn ra các con đường, từng giao lộ chèo kéo du khách qua đường. Mohini Nerurkar, 33 tuổi, sau khi sinh được một đứa con trai, Nerurkar gặp một phụ nữ tự xưng là nhân viên xã hội tỏ ý muốn khám cho em bé. Nhưng đến khi quay lại, con của cô đã biến mất. Người ta tin chắc “nhân viên xã hội” này là kẻ đội lốt của bọn “mafia ăn xin” chuyên đánh cắp trẻ sơ sinh cho bọn chúng.  

Các mạng lưới tội phạm ép buộc trẻ em hành nghề ăn xin để kiếm tiền cho chúng gọi là Beggar mafia. Bọn chúng bắt cóc hay mua trẻ em từ bọn buôn người rồi cưa chân tay các em để đẩy ra đường ăn xin. Thậm chí còn đáng sợ hơn khi đội quân ăn xin này hầu hết nghiện rượu và charras (một loại ma túy) do các băng nhóm cung cấp như một cách để khống chế, sai bảo. Tufhaar, 9 tuổi, bị chặt đứt cánh tay trái, nói: “Những thứ đó giúp chúng em quên đi cảnh ngộ của mình”. Bọn “mafia ăn xin” còn nhẫn tâm đến mức tạt axít lên thân thể các em tạo ra những vết thương mưng mủ dễ động lòng người.

Không chỉ khai thác trẻ em ăn xin moi tiền du khách mà thế giới băng đảng ngầm còn buộc các em phải bán đĩa DVD lậu và đủ loại chất ma túy - từ thuốc phiện Afghanistan cho đến Kashmiri, King Charles (cocain), heroin của Pakistan. Theo các tổ chức nhân quyền, một số trẻ bị cưỡng bức vào con đường kinh doanh thân xác, trở thành nô lệ tình dục. Nhiều đứa trẻ bị cưỡng bức đi ăn xin có gốc gác từ Dharavi, khu ổ chuột lớn nhất châu Á. Ở Dharavi, cả triệu con người sinh sống trong mê cung những đường hầm và vỉa hè, những nơi mà nước thải chảy tràn lan và bạo lực là chuyện thường ngày. 

Hiện tượng lạm dụng trẻ em tàn phế đi ăn xin ngày càng lan rộng đến mức thậm chí những nhà tu hành đầy hảo tâm ở địa phương cũng không muốn bố thí, vì biết rằng sau đó tiền bạc sẽ đi thẳng vào túi bọn “chủ”, trong khi đó, các em nhỏ chỉ là vật kiếm tiền và thế thân cho bọn tội phạm có tổ chức đó. 

“Cảnh sát phải trấn áp các tổ chức tội phạm, song vấn đề lớn nhất là sự mê tín. Chúng ta phải tuyên truyền để mọi người hiểu rằng đạo Hồi không dạy người ta bỏ con ở một ngôi đền hay bố thí tiền cho một đứa trẻ bị buộc phải ngồi trước đền. Mọi người phải tự đặt câu hỏi: Những đứa trẻ ấy tới từ đâu. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể giải quyết vấn đề”, Mohammed Ali, người sáng lập tổ chức từ thiện Roshni Helpline nói.