Mạch sống ở làng thương binh

(ANTĐ) - Trời mấy hôm nay xầm xì, có mưa khiến những cuộc viếng thăm các anh chị em thương binh nặng ở Trung tâm điều dưỡng thương binh, Ninh Xá, Thuận Thành, Bắc Ninh thêm ý nghĩa. Sau những cái bắt tay, những lời thăm hỏi, rất nhiều người trong chúng tôi đã ứa nước mắt khi nhìn các anh, các chị. Giám đốc trung tâm Đinh Văn Sán bảo: Mừng là trung tâm vừa được cấp kinh phí xây dựng lại chỗ ăn ở sinh hoạt cho anh em, chứ như trước đây, cực lắm...

Mạch sống ở làng thương binh

(ANTĐ) - Trời mấy hôm nay xầm xì, có mưa khiến những cuộc viếng thăm các anh chị em thương binh nặng ở Trung tâm điều dưỡng thương binh, Ninh Xá, Thuận Thành, Bắc Ninh thêm ý nghĩa. Sau những cái bắt tay, những lời thăm hỏi, rất nhiều người trong chúng tôi đã ứa nước mắt khi nhìn các anh, các chị. Giám đốc trung tâm Đinh Văn Sán bảo: Mừng là trung tâm vừa được cấp kinh phí xây dựng lại chỗ ăn ở sinh hoạt cho anh em, chứ như trước đây, cực lắm...

Giám đốc Sán dẫn chúng tôi đến từng phòng thăm các thương binh. Ông cho biết: 104 thương binh nặng ở trung tâm là 104 mảnh đời đầy nghị lực. Và từ lâu, các thương binh đã coi đây là mái ấm của mình. Các cháu con em thương binh giờ trưởng thành, muốn mời bố mẹ về ở để tiện chăm sóc, song nhiều anh chị từ chối và ở lại.

Thương binh Nguyễn Đình Học tiếp lời: Chúng tôi cùng cảnh ngộ, ở đây quen rồi, sống cũng đầy đủ tiện nghi, mỗi người một phòng, một tivi, đài, thích ăn gì thì ăn, nếu không thì nhờ căng-tin lo giúp; ốm đau, trái nắng trở trời có bác sỹ, hộ lý chăm sóc tận tình. Thế nên, chẳng ai muốn đi, chẳng ai muốn thay đổi. Giám đốc Sán cười: Chứng kiến những người vợ gắp từng miếng thức ăn vào bát cho chồng, nhiều cô con gái chải tóc, cài khuy áo cho mẹ, rót nước pha trà cho bố, các anh sẽ hiểu, vì sao những người thương binh nặng muốn ở lại trung tâm điều dưỡng này.

Bao trái tim còn căng đầy nhiệt huyết 

Thăm thương binh 1/4 Nguyễn Bá Công vừa từ cõi chết trở về, tuy vẫn nằm một chỗ, song anh cười nhiều, nói nhiều. Cách đây vài tháng, do viêm cột sống anh bị suy kiệt, bệnh viện tuyến trên chẩn đoán không qua khỏi. Gia đình ở Nghi Lộc, Nghệ An nằng nặc đưa anh về quê dù trung tâm tìm mọi cách giữ anh lại để điều trị... Thế là một y tá đi theo chăm sóc, vô cùng khó khăn, vất vả. Bác sỹ điều trị cho biết, may mắn, anh Công đã dần hồi phục, rồi được điều trị ở Viện 108, bây giờ ổn định. Anh Công bảo: Tôi lại được sống cùng anh em trung tâm, được hát cho đồng đội nghe những bài ca yêu thương cuộc sống... Có gì đó rất lạ, mạnh mẽ trong cái bắt tay thật chặt của anh.

Hàng xóm của anh Công, anh Nguyễn Văn Xoa khá vui tính, hay chuyện. Sau khi bị thương ở chiến trường phía Nam, anh Xoa về trung tâm cuối năm 1978. Trời run rủi cho anh gặp một người bạn cũng là thương binh 1/4 người Ninh Xá. Thấy anh Xoa đẹp trai, hiền lành, người bạn quyết giới thiệu cô em gái Nguyễn Thị Kiến. Anh Xoa kể: Ngày trước, vất vả quá.

Tôi thương tật đầy mình chẳng giúp đỡ được gì, chỉ vợ tôi tần tảo làm nông nghiệp, chạy chợ, nuôi dạy 2 cô con gái nên người. Cả 2 cháu đều là học sinh giỏi của tỉnh; cháu lớn tên Hằng hiện có gia đình, dạy học trường THPT ở huyện, cháu bé tên Hòa đang là sinh viên Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Nhìn các cháu lớn lên ngoan ngoãn, trưởng thành, tôi hạnh phúc lắm. Tất nhiên, như anh Xoa và bao anh em thương binh khác tâm sự, họ còn tự hào, hãnh diện hơn khi chưa bao giờ tự cho phép mình cái quyền đòi hỏi quyền lợi. Dù ngồi xe lăn, dù cơ thể còn bao vết thương hành hạ, dù cuộc sống còn bao bộn bề, bao khó khăn, các anh, các chị vẫn cố gắng lao động: chạy “xe ôm”, chăn nuôi, sửa chữa máy, làm mây tre đan… để sống đàng hoàng, sống có ích, là tấm gương cho con cháu phấn đấu, quyết tâm học tập và làm giàu cho quê hương.

Niềm hạnh phúc bên xe lăn  

Cạnh khu điều dưỡng có một dãy nhà nhỏ gồm 19 hộ gia đình thương binh. Anh Phạm Hồng Tư vừa ăn cơm xong tiếp chúng tôi: Trước trung tâm có hàng nghìn thương binh, gần 30 hộ gia đình, song thời gian, người thì khuất núi, người có điều kiện ra ở riêng, nay chỉ còn các hộ chồng là thương binh, vợ là nhân viên, hộ lý khu điều dưỡng. Chị Nguyễn Thị Thanh Phương vợ anh Tư kể, năm 1981 anh Tư chuyển về trung tâm điều dưỡng và quen chị.

Chẳng biết duyên số thế nào nhưng thương anh, quý con người nhiều nghị lực, rồi yêu lúc nào không biết. Anh chị được trung tâm tạo điều kiện phân cho một căn nhà nhỏ; rồi anh Tư tự mày mò học sửa chữa điện tử. Cậu con trai Phạm Văn Toàn cũng theo nghề bố, vừa thi vào Đại học Bách khoa. Nhưng như anh Tư tâm sự, dù đỗ hay không, với anh chị, đó vẫn là niềm tự hào. Anh chị còn may mắn hơn rất nhiều thương binh trong trung tâm - có một gia đình bé nhỏ, có những đứa con giỏi giang, ngoan ngoãn và biết yêu thương cha mẹ.

Một cổ tích ở làng thương binh, ai cũng biết, đó là câu chuyện về thương binh Trần Thị Hồng. Cô thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn mất cả 2 cánh tay đã mặc cảm, tìm mọi cách lẩn trốn người yêu là anh Hoàng Văn Uyên. Tuy nhiên khi biết tin, anh Uyên đã tìm tới đoàn an dưỡng, tổ chức đám cưới...

Trong chiến đấu, anh Uyên bị thương và sau đó xin chuyển công tác về trung tâm để tiện chăm sóc vợ con. Giờ thì 2 con trai của họ đã trưởng thành. Cậu lớn hiện là giáo viên trường chuyên Bắc Ninh, cậu thứ hai đang làm cho cơ quan Nhà nước... Hàng ngày, anh Uyên tự tay chải tóc, tắm rửa, thay quần áo và bón từng thìa cơm cho vợ. Nhớ lại kỷ niệm cũ, chị Hồng rơm rớm: “Tôi là người thật hạnh phúc vì những người bạn của tôi đã không thể trở về, có người không có mái ấm gia đình, không có người thương yêu và các con thành đạt”...

Ở làng thương binh, nhịp sống dường như chưa bao giờ ngừng chảy. Năm 21 tuổi, anh Chu Thế Dũng lên đường chiến đấu và bị thương rất nặng ở Khe Sanh, Quảng Trị. Tại trung tâm, tình cờ anh gặp lại chị Nguyễn Thị Luyến từng là y tá phục vụ chiến trường giờ về làm việc ở đây. Họ yêu và cưới nhau.

Nhưng số phận và nỗi đau chiến tranh đã không cho họ những đứa con. Hoàn cảnh run rủi, có một bà mẹ trẻ bỏ lại cháu gái mới 6 tháng tuổi trước cổng khu điều dưỡng, rồi 2 năm sau, chính người mẹ ấy lại tìm đến, bế theo một bé trai 15 ngày tuổi, khóc lóc cầu xin anh chị nhận nuôi... Thế là 2 vợ chồng người thương binh đã quá vất vả, càng thêm vất vả. Họ phải vật lộn với cuộc sống, chạy chợ bán rau... Hôm nay, 2 cháu đã khôn lớn, cô bé Hạnh tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ làm việc tại khu công nghiệp Nội Bài, cậu Phước đã là nhân viên cho một công ty tư nhân ở Hà Nội. Hàng tháng, không cô chị thì cậu em thay nhau về thăm bố mẹ.

Giám đốc Sán bảo: Những hình ảnh vợ thương binh cụt 2 tay giặt giũ, rồi ẵm con lên phơi quần áo; người chồng ngồi xe lăn nhặt rau, kéo nước giếng có lẽ chỉ có ở nơi luôn tràn ngập tình yêu, sự nỗ lực vượt qua nỗi đau, vượt lên số phận, để sống tự tin, để được hạnh phúc như “làng” thương binh nặng Thuận Thành, Bắc Ninh mà thôi.

Và mạch sống vẫn không ngừng chảy

Thấm thoắt gần 40 năm trôi qua, làng thương binh đã xuất hiện thế hệ thứ hai, rồi thứ ba. Anh Xoa bảo: Vui, hạnh phúc vì con cái trưởng thành, song cũng lo đấy. Những chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho con em thương binh, nhất là thương binh nặng nên có những thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Anh Tư tâm sự: Chúng tôi sống ở đây đã thành làng và coi trung tâm như nhà của mình. Tuy nhiên con cái đã lớn, nếu được Nhà nước quan tâm, giúp chúng tôi sửa chữa lại khu nhà ở tiện nghi hơn, tạo điều kiện hợp thức cho chúng tôi có một tài sản để trao lại cho con cháu... Chúng tôi hiểu, đó cũng là nguyện vọng của nhiều thương binh nặng ở trung tâm điều dưỡng. Nhưng thực tâm, như “nhà thơ” của trung tâm, thương binh Phạm Công Liên: Tất cả chúng tôi vẫn đang sống, sống xứng đáng là “Anh bộ đội Cụ Hồ”, là “Thương binh, tàn nhưng không phế”. Nơi đây, 104 anh chị em, mạch sống vẫn tràn căng, họ đồng cảm, yêu thương và chia sẻ, để những tình yêu đơm hoa, kết trái, để những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên những chiếc xe lăn sẽ viết tiếp những bài ca anh hùng của người lính, để thấy, những người lính đã từng sống, chiến đấu, và cống hiến, như thế...

“...Lớp trẻ lớn lên đi khắp miền đất nước

Những người cha ngồi xe lăn bồi hồi

Ngậm ngùi - cười

Ngậm ngùi - yêu

Tôi đã thấy ở “làng thương binh bao hạnh phúc’’ 

(Thơ Phạm Công Liên)

Ghi chép của Hà Bảo Lâm