Mắc uốn ván sau khi cắt trĩ tại nhà, phải nhập viện cấp cứu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân bị uốn ván vào điều trị trong tình trạng nặng, trong đó có một người nhiễm bệnh sau khi cắt trĩ…
Số ca mắc uốn ván phải nhập viện cấp cứu trong năm 2023 tăng mạnh so với năm 2022

Số ca mắc uốn ván phải nhập viện cấp cứu trong năm 2023 tăng mạnh so với năm 2022

Ngày 18-10, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, cả 2 ca mắc uốn ván vừa được đưa vào bệnh viện này cấp cứu đều trong tình trạng nặng, co giật toàn thân.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Đ.V.N (nam, 53 tuổi, ở Hòa Bình), có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Trước khi nhập viện một tuần, nam bệnh nhân có nhờ người quen tự cắt trĩ tại nhà. Sau cắt trĩ, ông N. xuất hiện tình trạng cứng hàm tăng dần, khó nói, khó nuốt, khó há miệng, ăn uống kém.

Bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế tại địa phương và được chẩn đoán mắc bệnh uốn ván. Do tình trạng bệnh nặng, xuất hiện co giật, nam bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán uốn ván toàn thể, phải nằm thở máy.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân P.T.N (nữ, 68 tuổi, ở Sơn La). Gần đây, bà N. bị ngã ở chuồng lợn gây bầm tím, xây xát da vùng mông. Sau ngã 3 ngày, bà N. xuất hiện triệu chứng cứng hàm, khó há miệng, sốt cao, xuất hiện cơn co cứng, co giật toàn thân, được đưa đến một cơ sở y tế địa phương cấp cứu.

Tại đây, bà N. được chẩn đoán mắc uốn ván, điều trị mở khí quản cấp cứu, an thần, thở máy. Do tình trạng sốt, co giật không thuyên giảm nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, uốn ván toàn thể và tiến hành điều trị theo phác đồ.

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 22 ca mắc uốn ván (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 2 ca tử vong.