Mắc kẹt vì “chủ quản” vô trách nhiệm

ANTĐ - Tìm lên quận, chính quyền bảo về hỏi công ty, tìm đến công ty lại nói phải đến quận mà làm. Đó là vòng tròn không có lối ra của những hộ dân đang ở nhà tự quản khi vác đơn đi làm “sổ đỏ”. Người dân gặp khó khăn vì có nhà, đất mà như không vì không được cấp Giấy chứng nhận (GCN), không được xây dựng, cải tạo nhà ở.

Thành phố chỉ đạo làm “sổ đỏ”cho dân nhưng cơ quan chủ quản đã phớt lờ gần 10 năm

Có nhà, đất nhưng không được... xây

Được cấp đất và sử dụng ổn định từ gần 20 năm nay song 12 hộ gia đình sống ở khu tập thể Đội xe 306, Công ty vận tải ô tô số 3 ở xã Đại Mỗ (huyện Từ Liêm) vẫn không được cấp “sổ đỏ”. Từ năm 2003, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quý Đôn đã ký văn bản yêu cầu “Công ty vận tải ô tô số 3 trình UBND huyện Từ Liêm cấp Giấy chứng nhận đối với 1.438 m2 đất của 12 hộ gia đình cán bộ, công nhân viên trước 30-6-2003”.

Tuy nhiên, sắp “kỷ niệm” 10 năm ngày UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo mà Công ty này chưa một lần trình văn bản tới UBND huyện Từ Liêm. Hệ lụy đầu tiên các hộ dân phải gánh chịu là không được cấp phép xây dựng, không được cải tạo nhà ở và rất nhiều sự hạn chế khác. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ phân trần: “Chúng tôi biết người dân rất khổ, bức xúc nhưng nếu Công ty không có ý kiến thì xã, huyện chịu không làm được. Chúng tôi cũng đã thúc giục rồi nhưng mãi không thấy hồi âm...” 

Vị Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Nhu cầu sửa chữa nhà của dân  rất cao. Nhà xập xệ, dột nát thì phải cải tạo, để như thế không sống được, có khi còn nguy hiểm tính mạng. Thế nhưng, nếu dân xin xã cấp phép xây dựng thì không được vì đất chưa có “sổ đỏ”. Dân muốn có “sổ đỏ” thì cơ quan chủ quản là Công ty vận tải ô tô số 3 phải trình văn bản mà công ty thì lại đã cổ phần hóa... Đó là trách nhiệm của họ vì chính họ là người cấp đất cho dân. Cứ vòng quanh như thế nên dù xã muốn giúp dân cũng không  được...”.

Đáng chú ý, những hộ dân bị “mắc kẹt” giữa chính quyền và doanh nghiệp như gia đình anh Vũ Tuấn Anh tại Hà Nội hiện lên tới hàng chục nghìn hộ. Đơn cử, hàng trăm hộ dân tại Khu nhà gỗ ngoài đê sông Hồng (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) đã sống ở đây gần nửa thế kỷ nhưng giấy tờ, sổ sách liên quan đến căn hộ gần như không có gì. Bà Nga ở phòng 37, nhà B7 cho biết, gia đình được phân căn hộ từ năm 1967, song tới nay không có giấy tờ nhà đất gì. Nhiều người chuyển nhượng quyền sử dụng đã phải làm “chui”. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng hợp chưa đầy đủ từ các quận, huyện cho biết, TP đang có hơn 12.000 hộ đang ở nhà có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước nhưng nay không còn cơ quan quản lý, cũng chưa tiến hành kê khai theo yêu cầu của TP. Vì thế, chưa có cơ sở để thành phố tiếp nhận và cấp GCN. 

Phải tìm cách hợp thức hóa 

Sở Xây dựng đánh giá, quỹ nhà này đang ở trong tình trạng... “móng không chạm đất”! Vì không có cơ quan quản lý từ nhiều năm nay (do cơ quan đã giải thể hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động, cổ phần hóa...) nên coi như bị... mất gốc. Toàn bộ hồ sơ nhà đất đã bị thất lạc. Trong nhiều năm, các khu nhà này đều có hiện tượng mua đi bán lại bằng giấy tờ viết tay, hoặc xây dựng không phép, sai phép... nên càng khó xét cấp GCN. Các dạng nhà này thuộc huyện Thanh Trì nhiều nhất (3.190 trường hợp), tiếp đó là Ba Đình, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Từ Liêm, Cầu Giấy...

Tương tự như chính quyền xã Đại Mỗ, đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết, dù rất muốn cấp “sổ đỏ” cho người dân để tiện cho việc quản lý, song quận này cũng “bó tay” với diện nhà còn cơ quan quản lý nhưng chưa bàn giao cho thành phố. Vị này nói: “Dân rất bức xúc vì không được cấp “sổ đỏ”. Quận cũng muốn giúp dân nhưng các cơ quan, doanh nghiệp không bàn giao thì đành chịu...”. Nói về đường ra cho hơn 12.000 hộ dân này, đặc biệt là những trường hợp mua bán bằng giấy viết tay hoặc xây dựng không phép, các cán bộ địa chính cho rằng: “Chẳng ai muốn vi phạm pháp luật nhưng dân cũng không thể chờ mãi được vì nhu cầu nhà ở là rất bức thiết. Người dân sai rồi nhưng không cấp GCN họ sẽ rất thiệt thòi. Chính quyền có thể phạt nặng rồi cho dân hợp thức thì mới quản lý tốt được...”. Bởi nếu cứ trông chờ ở các cơ quan chủ quản (đã gần như biến mất), những hộ dân này sẽ không bao giờ có được cuộc sống yên ổn ngay trên nhà đất của mình.