Mắc kẹt trong... "trại tị nạn an toàn"

ANTD.VN - Gần đây, một số nhà hoạt động nhân quyền lên tiếng cho rằng, những người tị nạn đang mắc kẹt trong “trại tị nạn an toàn” trên khắp lãnh thổ Hy Lạp đang trở thành mục tiêu tấn công của mafia. Với các băng đảng tội phạm này, người di cư là “con mồi ngon” để lôi kéo vào tệ nạn mại dâm, buôn bán ma túy và buôn người

Bạo lực, ma túy tràn lan

Tình trạng trên được đề cập sau khi nhiều phương tiện truyền thông quốc tế chỉ trích rằng, nạn lạm dụng tình dục phụ nữ và trẻ em gái trong các trại tị nạn ở Hy Lạp ở mức báo động cao và đề nghị các nhà chức trách có biện pháp khẩn cấp để đối phó với cuộc khủng hoảng.

Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng, khoảng 58.000 người di cư và người tị nạn sống trong hơn 50 trại tị nạn trên khắp lãnh thổ Hy Lạp đang trở thành mục tiêu đầy tiềm năng của mafia, hoạt động mạnh nhất là các băng đảng mafia Hy Lạp và Albania. 

“Trước đây, tôi chưa bao giờ biết đến ma túy nhưng giờ đây, tôi đang sống bằng tiền bán ma túy. Trại tị nạn này thực sự khủng khiếp. Chúng tôi như động vật sống trong lò than vì quá nóng. Mafia Hy Lạp và Albania hoạt động mạnh nhất trong khu vực này. Tôi thường lấy thuốc từ một số tay mafia ở Macedonia, sau đó mang đến trại tị nạn bán. Cảnh sát không tồn tại ở đây. Họ thấy ma túy, cảnh đánh, đâm, chém nhau nhưng không làm bất cứ điều gì. Họ không quan tâm và thế giới dường như cũng không quan tâm”, một thanh niên Syria 17 tuổi, hiện đang sống trong trại tị nạn Softex, ngoại ô của Thessaloniki cho biết.

Chàng thanh niên trẻ cho biết thêm, ma túy là nguyên nhân chính gây nên bạo lực, những cuộc ẩu đả diễn ra thường xuyên trong trại tị nạn. Không chỉ có ma túy, các băng đảng mafia còn tìm cách lôi kéo người tị nạn tham gia vào các đường dây mua bán dâm, tội phạm buôn người.

“Nếu không có giải pháp cải thiện đời sống cho người tị nạn thì rất có thể, một thảm họa lớn sẽ xảy ra. Những trại tị nạn là “mảnh đất màu mỡ” của chủ nghĩa khủng bố, tội phạm và bạo lực”, Nesrin Abaza, một nhân viên cứu trợ người Mỹ ở khu vực Thessaloniki nói. Đồng quan điểm, ông Christos Stylianides, một quan chức của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, vấn đề người di cư, người tị nạn ở châu Âu phải được giải quyết một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Những khoản viện trợ bị sử dụng không hiệu quả

Một số nhà hoạt động nhân quyền cho rằng, sở dĩ cuộc sống của người tị nạn ở Hy Lạp gặp nhiều khó khăn như hiện nay là do giới chức nước này sử dụng các khoản viện trợ của EU để giải quyết vấn đề người tị nạn chưa hiệu quả. Vào tháng 4-2016, EU đã quyết định viện trợ cho Hy Lạp 83 triệu euro để xây dựng thêm các trại tị nạn. 

Tuy nhiên, sau 4 tháng, tình hình trong các trại tị ở Hy Lạp không được cải thiện là bao, thậm chí còn phức tạp hơn. Ngoài các điều kiện vệ sinh kém và thiếu sự bảo vệ của cảnh sát, những thông tin mới nhất về nạn tấn công tình dục phụ nữ và trẻ em gái, hoạt động của mafia… càng làm cho vấn đề nóng gấp nhiều lần.

Một số phụ nữ trong trại tị nạn Softex, nằm ở vùng ngoại ô Thessaloniki, nơi hiện có 1.400 người tị nạn, chủ yếu đến từ Syria, trong đó có khoảng 170 trẻ em cho biết, họ sợ hãi đến mức không dám đi vệ sinh một mình vào ban đêm. Nhà tài chính Amed Khan, người sáng lập tổ chức từ thiện giúp đỡ người di cư có tên là Elpida nhận định, các khoản viện trợ phải được sử dụng đúng mục đích mới phát huy hiệu quả. “Cần quan tâm sâu sắc đến đời sống của những người tị nạn. Các giải pháp phải linh hoạt và cụ thể. Sự trợ giúp về vật chất phải đảm bảo đến tận tay người tị nạn”, ông Amed Khan nói.