Mắc kẹt giữa hai cường quốc

ANTĐ - Chỉ 5 ngày sau khi khởi công, dự án đường sắt cao tốc đầu tiên của Indonesia do nhà thầu là Công ty phát triển đường sắt cao tốc Trung Quốc - Indonesia (KCIC) đảm nhiệm đã bị dừng lại. Xem ra, Jakarta vẫn chưa thoát khỏi thế kẹt trong quan hệ nhạy cảm với Bắc Kinh và Tokyo.

Mắc kẹt giữa hai cường quốc ảnh 1Hệ thống tàu cao tốc của Trung Quốc

Theo lời giải thích của Bộ trưởng Giao thông Indonesia I. Jonan, trong số 11 giấy tờ được yêu cầu trình lên bộ để xin giấy phép xây dựng, KCIC còn thiếu các thông tin chi tiết về thiết kế của dự án, minh họa kỹ thuật, dữ liệu hiện trường cũng như các thông số kỹ thuật của dự án. Ngoài ra, nhà thầu Trung Quốc còn bị trả lại các giấy tờ đã nộp vì họ để nguyên bản tiếng Trung mà không dịch sang tiếng Anh.  

Tuy nhiên, ai cũng hiểu đó chỉ là lý do bề ngoài. Bản chất bên trong phức tạp hơn nhiều. Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Indonesia Joko Widodo. đã cam kết đại tu hệ thống đường bộ, đường sắt và cảng biển đang “già hóa” của nước này. Dự án đường sắt cao tốc nối Jakarta với thành phố Bandung không chỉ giúp giảm đáng kể thời gian đi lại giữa 2 thành phố, mà còn là bước đi quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư.

Sức hấp dẫn của số vốn đầu tư lên tới 5,5 tỷ USD đã biến dự án thành cuộc đua giữa hai cường quốc kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản. Với hệ thống đường xe lửa đẳng cấp thế giới, nổi tiếng với loại tàu cao tốc huyền thoại Shinkansen có tốc độ trên 300 km/giờ ra đời từ cách đây hơn nửa thế kỷ mà chưa để xảy ra một tai nạn gây tử vong nào, Nhật Bản đầy tự tin sẽ thắng thầu.

Để mắt đến dự án Jakarta - Bandung sau Nhật Bản, nhưng Trung Quốc quyết thắng bằng được. Để hiện thực hóa chiến dịch “tấn công bên ngoài” do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát động, mà dự án Jakarta - Bandung là cú thử sức đầu tiên, Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận rủi ro tài chính khi đồng ý cấp cho Indonesia khoản vay lên tới 75% giá trị dự án, đồng thời không đòi hỏi có bảo lãnh và vốn đối ứng từ Chính phủ Indonesia. Kết quả là nhà thầu Nhật Bản bị loại sau một quá trình đấu thầu mà Tokyo rất bất bình vì cho rằng nó diễn ra đầy hỗn loạn.

Nhưng cuộc đua chưa ngã ngũ. Với hệ thống đường sắt cao tốc bị tiếng xấu với vụ tai nạn nghiệm trong hồi năm 2011 làm ít nhất 40 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương, Trung Quốc thường bị các nước chỉ trích là có khuynh hướng xem thường vấn đề an toàn và luôn thi công vội vàng. Dư luận Indonesia cho rằng nước này đang “liều” với dự án khi bỏ qua các yếu tố an toàn, minh bạch và môi trường. 

Indonesia từng có bài học khi các nhà máy điện mới được Trung Quốc xây dựng tại Indonesia không có công suất như cam kết trước đó. Ngoài ra còn phải kể đến sự thiếu minh bạch của các công ty đường sắt Trung Quốc khi đấu thầu ở nước ngoài. Đó là lý do khiến Chính phủ Mexico hồi tháng 11-2014 rút lại thỏa thuận trị giá 4,3 tỷ USD với một liên doanh do Trung Quốc đứng đầu nhằm xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở nước này. Những nỗi lo về tác động môi trường và sự phản đối của công chúng cũng khiến dự án đường sắt trị giá 20 tỷ USD nối tỉnh Vân Nam - Trung Quốc với vịnh Bengal bị hủy bỏ vào tháng 7-2014.

Jakarta rơi vào thế kẹt giữa hai luồng ý kiến liên quan đến hai cường quốc Trung Quốc và Nhật Bản. Tuyên bố của Ủy ban các vấn đề quốc phòng và đối ngoại thuộc Hạ viện Indonesia cho rằng, quyết định bàn giao hơn 49 hecta đất do Bộ Quốc phòng nước này quản lý để xây một nhà ga thuộc dự án đường sắt cao tốc sẽ tạo ra vấn đề về an ninh cho các căn cứ quân sự của Indonesia khiến tương lai của dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung càng thêm bế tắc.