Mặc gì, là cả vấn đề

ANTĐ - Để bảo vệ thương hiệu của các nhà tài trợ, BTC London 2012 phải lập ra một lực lượng cảnh sát thương mại hay những nhóm chuyên trách giám sát cách trang bị, ăn mặc của các VĐV. 

Michael Phelps gần đây than phiền rằng không còn được đội chiếc mũ bơi mang cờ Mỹ thu nhỏ

Lực lượng này giống như quản lý thị trường, nhưng tập trung vào những người liên quan đến Olympic, từ quan chức, VĐV cho đến CĐV. Tất cả những gì liên quan đến VĐV trong các cuộc đua tranh đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của cuốn “cẩm nang” những gì được, hoặc không được làm. Ví dụ như trường hợp của kình ngư nổi tiếng Michael Phelps. Anh này gần đây than phiền trên mạng Twitter rằng mình sẽ không còn được đội chiếc mũ bơi mang cờ Mỹ thu nhỏ ở mặt trước và sau. Đây là quy định được Ủy ban Olympic Mỹ phổ biến cho các VĐV từ trước lúc lên đường sang xứ sở sương mù. 

Ngoài ra, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) còn đưa ra một hệ thống quy định đối với cả những thứ thông thường chỉ xem như đồ trang sức được sử dụng khi nào và ở đâu. Đó là một phần trong những ràng buộc để IOC nhận được 2,4 tỷ USD tiền tài trợ  để bảo vệ thương hiệu cho những người khổng lồ như McDonald‘s hay Coca-Cola. Thu nhập của IOC tất nhiên sẽ được rót trở lại cho các Ủy ban Olympic thành viên phục vụ cho công tác đào tạo và phát triển. Dù vậy, nhiều Ủy ban Olympic, hoặc cá nhân VĐV cũng có những hợp đồng riêng để quảng cáo, miễn là phải phù hợp với những quy định của IOC tại London 2012. 

Những quy định hà khắc của IOC đang gây ra các cuộc tranh cãi. Ví dụ như trường hợp của đoàn thể thao Mỹ, khi họ mặc trang phục của nhà sản xuất Ralph Lauren đặt nơi sản xuất ở Trung Quốc. Theo thương hiệu, đó là nhà cung cấp chính thức trang phục cho Ủy ban Olympic, nhưng về nguồn gốc nó lại được sản xuất ở Trung Quốc vì thế có ý kiến của công dân Mỹ đòi “tẩy chay” trang phục này.

Tranh cãi về trang phục không chỉ xảy ra với đoàn thể thao Mỹ. Đoàn thể thao Tây Ban Nha sẽ sử dụng trang phục màu đỏ và vàng truyền thống nhưng được công ty Bosco của Nga thiết kế. Bosco, công ty cũng thiết kế trang phục cho đoàn Nga và Ukraine, đã cung cấp miễn phí trang phục cho Ủy ban Olympic Tây Ban Nha, một cách quảng cáo riêng của họ. Dù những cách quảng cáo riêng rẽ hoặc nhỏ lẻ gọi là “quảng cáo đột kích” này có thể “lách” luật, nhưng sẽ khó qua mặt được các cảnh sát thương mại tại London 2012 nếu vi phạm.