Ma túy "đá": Biến người thường thành ác quỷ

ANTĐ - Ngày 8-11 vừa qua, CAQ Tây Hồ, Hà Nội phối hợp cùng CAP Phú Thượng (Tây Hồ) giải cứu thành công một phụ nữ bị “ngáo đá” khỏi ngôi nhà đang cháy. Theo thông tin ban đầu, người phụ nữ này thuê nhà tại địa bàn phường Phú Thượng và châm lửa đốt  rồi đứng xem... trong tình trạng “phê” ma túy “đá”. 

Ma túy "đá": Biến người thường thành ác quỷ ảnh 1

Đối tượng “ngáo đá” làm náo loạn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 18-9

Hoang tưởng đến mức gần như điên loạn

Trước đó, vào ngày 18-9, tổ bảo vệ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phát hiện một đối tượng khoảng 40 tuổi có biểu hiện bất thường. Khi lại gần, đối tượng này bất ngờ rút dao nhọn giấu trong người đâm liên tiếp khiến 2 nhân viên bảo vệ bị thương. Không dừng lại ở đó, đối tượng tiếp tục khóa phòng nhân viên, leo ra lan can tầng 4 rồi bắt đầu gào thét. Khi có người lại gần khuyên ngăn, đối tượng giơ dao đe dọa, sau đó đập vỡ kính cửa sổ lấy mảnh thủy tinh làm vũ khí để cố thủ. Phải mất nhiều thời gian kiên trì thuyết phục, lực lượng chức năng mới đưa được đối tượng về trụ sở CAP an toàn.

Cách đây không lâu, tại khuôn viên chùa Hạ Yên Quyết (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) xuất hiện một nam thanh niên trèo lên đỉnh tháp cao khoảng 30m, rồi liên tục nói những câu vô nghĩa. Do tòa tháp khá cao, đối tượng đang trong tình trạng “ngáo đá”, không làm chủ được hành vi nên công tác thuyết thục không phát huy hiệu quả. Sau nhiều giờ đứng vắt vẻo trên đỉnh tháp, đối tượng không chịu được nắng nóng đã buông tay nhảy xuống hệ thống phao hơi do lực lượng cứu hộ rải sẵn phía dưới nên thoát chết. Tại trụ sở CAP, đối tượng cho biết, nguyên nhân leo lên bảo tháp vì muốn trốn một người bạn đang đuổi theo bắt sử dụng ma túy (?!), 

Những sự việc trên đã khiến không ít người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng. Ông Nguyễn Văn Toàn - cán bộ hưu trí phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ chia sẻ, đối tượng bị “ngáo đá” có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, trong bất kỳ thời gian nào. Trong cơn phê thuốc, họ hoang tưởng đến mức gần như điên loạn và có những hành động tự hủy hoại bản thân, thậm chí trở thành kẻ sát nhân. Việc đảm bảo an toàn cho những người này cũng như cộng đồng xung quanh mất rất nhiều thời gian, công sức và tốn kém về tiền bạc của các cơ quan chức năng. “Theo tôi, tổ dân phố, cơ quan có thẩm quyền cần nắm vững danh sách các đối tượng này, đề xuất đưa đối đượng đi kiểm tra y tế và có biện pháp cách ly với cộng đồng” - ông Toàn kiến nghị.

Nguy cơ loạn thần kinh, mất trí

“Ngáo đá” là trạng thái xuất hiện ảo giác khi một người sử dụng ma túy “đá” bắt đầu “phê” thuốc. Lúc đó họ luôn có suy nghĩ rằng mình bị tấn công và đặc biệt tin tưởng vào những nhận biết sai lầm này. Do bị ảo giác chi phối hành vi nên người “ngáo đá” có thể tự tước đoạt mạng sống của chính mình hoặc của những người khác. Tuy vậy, để chứng tỏ “đẳng cấp”, độ chịu chơi, không ít cá nhân, đặc biệt là giới trẻ vẫn sử dụng ma túy “đá” bất chấp những nguy cơ bị loạn thần, mất trí.

“Sự độc hại của ma túy “đá” lớn gấp hàng trăm lần heroin. Nó có chứa chất dạng “  Methamphetamine hoặc Amphetamine được tổng hợp từ các hóa chất. Đây là chất kích thích thần kinh rất mạnh, khi xâm nhập vào cơ thể gây ra những ảo giác, có thể khiến người bình thường trở thành ác quỷ. Bên cạnh đó, do chất gây nghiện này thường được sản xuất thủ công nên có nhiều tạp chất, dễ gây nhiễm độc. Thông thường, cơn “ngáo đá” diễn ra trong vài chục phút, vài tiếng hoặc lâu hơn, tuy vào liều lượng, thời gian sử dụng, thể trạng của đối tượng” - bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E cho biết.

Ma túy “đá” biến đổi rất nhanh, người sử dụng có thể bị loạn thần ngay trong lần sử dụng đầu tiên. Ngoài ra, loại ma túy này có thể gây tổn thương các bộ phận trong cơ thể. Việc sử dụng loại ma túy “đá” dẫn đến mất ngủ triền miên, đầu óc căng thẳng, gây hoang tưởng cực độ. Trong trạng thái này, người sử dụng có thể thực hiện bất cứ tội ác nào. Do vậy khi phát hiện người thân có biểu hiện “ngáo đá”, gia đình cần nhanh chóng đưa đối tượng đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. Bệnh nhân đã mắc nghiện nên vào các trung tâm để được chữa trị phục hồi chức năng và cai nghiện.

Quy định pháp luật có tính răn đe

Về trách nhiệm hình sự của người bị “ngáo đá”, theo Luật sư Nguyễn Thành Chung - Đoàn luật sư Hà Nội, Điều 14, Bộ luật Hình sự quy định: “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Do vậy, người bị “ngáo đá” khi thực hiện hành vi phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự như người bình thường. Quy định này có tác dụng răn đe, nhằm tránh tình trạng cá nhân sử dụng rượu hoặc các chất kích thích mạnh khác dẫn tới thực hiện tội phạm. 

“Ngáo đá” đã trở thành sự ám ảnh, nỗi bất an đối với với nhiều người, nhiều gia đình. Việc điều trị cho người nghiện ma túy “đá” cũng mất rất nhiều thời gian và công sức. Do vậy, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân, mỗi cá nhân cần cảnh giác với ma túy, đặc biệt là ma túy “đá”, đừng vì một giây phút bồng bột mà phải trả giá cả đời…