Mã số hóa công dân, đưa thiết bị thông minh đến từng gia đình

ANTD.VN - Quận Long Biên là đơn vị đầu tiên của thành phố Hà Nội thực hiện việc mã số hóa công dân.

Các quận, huyện tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội, thành phố đã rất quyết liệt trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thu nhập dữ liệu dân cư để phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, hiệu quả. 

Số hóa dữ liệu dân cư

Sở TT-TT Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, cơ quan này đã thành lập Tổ công tác liên ngành xây dựng, triển khai dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử và số hóa dữ liệu hộ tịch. Đến nay, theo báo cáo của quận Long Biên - đơn vị được triển khai thí điểm, toàn bộ dữ liệu sổ hộ tịch năm 2015 của quận này đã được số hóa và đồng bộ vào hệ thống eSAMS của thành phố với tổng số 64 quyển số khai sinh và đăng ký kết hôn của 8.355 trường hợp với 282.113 trường dữ liệu. 

Kết quả số hóa đã giúp đơn vị khai thác hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho công tác lưu trữ, khai thác, dịch vụ công... Hiện tại, Sở Tư pháp Hà Nội cùng với đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch số hóa dữ liệu hộ tịch của thành phố đang chuẩn bị công tác nghiệm thu kết quả triển khai thí điểm, để báo cáo thành phố cho phép triển khai mở rộng số hóa trong lĩnh vực tư pháp. 

Tương tự, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội cũng thực hiện số hóa toàn bộ dữ liệu về doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Dự kiến, hết tháng 8-2017, sẽ số hóa xong toàn bộ dữ liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Sở KH-ĐT Hà Nội. Đến hết tháng 9-2017, dữ liệu đã số hóa sẽ đồng bộ lên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH-ĐT.

Sở TT-TT Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, các sở, ban, ngành của Hà Nội đã tích cực phối hợp và chia sẻ thông tin dân cư để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của thành phố.

Đơn cử, CATP Hà Nội đã nghiên cứu việc kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu dân cư để chia sẻ thông tin với Bảo hiểm xã hội thành phố, Sở Tư pháp, Sở GD-ĐT, Cục Thuế, Sở KH-ĐT Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đáp ứng việc tăng cường liên thông, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ công dân, tổ chức, cá nhân, người nộp thuế... trên địa bàn thành phố.

Sở LĐ-TB&XH đang đề xuất giải pháp kết nối cơ sở dữ liệu dân cư để phục vụ công tác quản lý người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người nghiện ma túy và các đối tượng bán dâm trên địa bàn…

Mở rộng dịch vụ công trực tuyến

Bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội cho biết, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng CNTT như trên, thành phố sẽ mở rộng triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Theo kế hoạch, từ ngày 15-7 tới đây, thành phố sẽ triển khai dịch vụ công đến 18 huyện, và từ ngày 15-8, công tác này sẽ được triển khai đến 416 xã trên toàn thành phố.

Trong đó, khối quận, huyện có 44 dịch vụ công mức độ 3, khối xã phường có 331 dịch vụ. “Hiện nay, các sở, ngành đang ứng dụng CNTT thấp hơn nhiều so với quận, huyện nên các sở, ngành sẽ phải đẩy mạnh công tác này” - bà Phan Lan Tú nói.

Tại Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở cho biết: “Sở Công Thương đã triển khai 7 dịch vụ công. Toàn bộ máy tính tốt của sở đều phục vụ cho nhiệm vụ này. Do đó, để đạt được các mục tiêu ứng dụng CNTT thành phố giao thì cần rà soát lại hạ tầng để việc triển khai các dịch vụ công trơn tru hơn”.

Giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong 6 tháng cuối năm 2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu, việc cập nhật dữ liệu phải chắc chắn, bền vững; thiết kế dữ liệu cần lấy chuẩn quốc tế. “Cuối năm 2017, dứt khoát phải thí điểm đưa thiết bị thông minh tới từng gia đình để phục vụ các dịch vụ công trực tuyến tốt hơn” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.