"Ma" lừa gõ cửa tận nhà

ANTĐ - Chẳng mất công gì lại được món hoa hồng hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng, mua hàng “chôm chỉa” giá rẻ “chưa từng có”, hay mua thuốc “bí truyền”, uống là khỏi… Với những chiêu này, các đối tượng lừa đảo đã gõ cửa  tận nhà khiến nhiều người mắc bẫy. Người nhẹ thì tháo hết dây xuyến nhẫn vàng đưa cho đối tượng, người nặng thì mở cả ngăn kéo đựng tiền dốc tiền ra nộp. Thậm chí có người đưa cả đối tượng vào nhà ngồi chờ mình lên tầng mở két lấy tiền. Chỉ đến khi tiền đã mất, kẻ lừa đảo cao chạy xa bay, mới giật mình tá hỏa không hiểu tại sao lúc ấy lại mê muội như bị ma làm…

Một nhóm đối  tượng lừa đảo bị công an bắt giữ

Tưởng lãi, hóa bị lừa

Trường hợp chị Oanh (Long An) là một điển hình của những chiêu lừa tinh vi đến nỗi dù gia chủ đã hết sức cảnh giác vẫn bị sập bẫy. Trong lúc nhà chị xây nhà thì có 2 thanh niên đến chào bán hàng sắt với giá rẻ hơn thị trường và hứa giao hàng tận nơi, nhận được hàng thì mới trả tiền. Nghĩ cầm chắc đằng chuôi nên chị đã đồng ý. Đúng hẹn, hai người bán hàng  đã tới nhà chị, khoảng 20 phút sau xe sắt cũng tới. Khi xe chở sắt vừa tới nơi, một thanh niên nhanh nhảu vào nhà thanh toán tiền trước, sau đó chúng nói ra ngoài lát sẽ quay lại. Nhưng bọn chúng vừa ra ngoài thì người giao hàng cầm phiếu vào yêu cầu chị Oanh thanh toán tiền. Khi chị khẳng định đã thanh toán tiền cho hai thanh niên kia thì người chở hàng cho biết họ cũng chỉ là người tới mua sắt và yêu cầu chở tới nơi chủ nhà sẽ giao tiền. Lúc đó chị mới ngã ngửa vì mình đã bị ăn quả lừa. 

Cũng với những thủ đoạn tinh vi, nhiều người đã bị hoa mắt bởi món “hoa hồng” lớn từ bán thuốc diệt côn trùng hoặc một số mặt hàng khác mà bọn lừa đảo “vẽ” ra. Chúng thường chọn các cửa hàng kinh doanh tạp hóa. Một tên sẽ tiếp cận giới thiệu là nhân viên của công ty nào đó, muốn thuê mặt tiền cửa hàng để đặt biển quảng cáo. Trong khi chờ đợi sự thỏa thuận, tên này xin dán nhờ một tờ giấy quảng cáo mặt hàng cần bán và nếu chủ cửa hàng bán được sẽ hưởng mức hoa hồng hấp dẫn. Khi tờ quảng cáo vừa được dán lên thì ngay lập tức đã có “khách” hàng có nhu cầu mua hàng với số lượng lớn. Thậm chí vị khách này còn tạo lòng tin bằng cách sẵn sàng đặt cọc trước vài trăm nghìn và yêu cầu chủ nhà sớm có hàng ngay vì công ty họ đang cần gấp. Vị khách kia cũng không quên để lại số điện thoại và yêu cầu bà chủ cửa hàng gọi lại điện thoại ngay khi có hàng.

Chả mất công, chỉ việc nhấc điện thoại ấn số đặt hàng là có tới hàng chục triệu tiền hoa hồng, chiết khấu… Người bán hàng tin tưởng đặt hàng và đương nhiên cũng  thanh toán số tiền lên đến mấy chục triệu đồng cho “nhân viên” của công ty nọ. Hàng đã nhập về nhưng chờ mãi chả thấy khách sộp đâu. Tìm số điện thoại mà khách để lại thì ôi thôi từ đầu dây bên kia chỉ vang đến một thứ âm thanh mặc định: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”. Ngẩn ngơ xem lại số hàng đang chất đống trong nhà hóa ra toàn hàng rởm chỉ đáng giá mấy chục nghìn đồng.

Qua các vụ lừa đảo tại nhà có thể thấy các đối tượng lừa đảo hoạt động hết sức tinh vi. Hầu hết các vụ lừa đảo kiểu này đều có đồng phạm. Bọn chúng đã dựng nên kịch bản “lừa” hết sức chi tiết. Phân công vai trò của từng đối tượng hết sức tỉ mỉ. Đặc biệt, để đánh vào lòng tin của các nạn nhân, những đối tượng này thường đưa ra những món lời lớn, và không lấy tiền ngay. Chúng sẵn sàng bỏ thời gian để câu nhử, chờ cơ hội thuận lợi mới lĩnh tiền. Điều này đã khiến cho không ít người mặc dù đã rất cảnh giác nhưng vẫn bị rơi vào “mê cung” với các chiêu thức mà các đối tượng cố tình “đánh võng”, làm cho nạn nhân bấn loạn tưởng giả làm thật mà “móc túi” đưa tiền cho chúng.

Nghiêm trọng hơn là hiện nay, các đối tượng này hoạt động rất nhiều, chúng tới các cửa hàng bán hàng nhỏ lẻ, địa điểm công cộng, bệnh viện, hoặc len lỏi vào các khu dân cư, lợi dụng vào lúc thời gian mọi người đi làm vắng, thực hiện hành vi lừa đảo đối với những người ở nhà thường là  những người già nghỉ hưu hoặc trẻ con và không ít người đã trở thành nạn nhân của chúng. Đánh vào lòng tham của con người, bọn tội phạm đã bày ra chiêu như giả làm nhân viên của một công ty nào đó, mặc quần áo đồng phục hẳn hoi bán rẻ đồ điện tử  vì đây là đồ “chúng cháu ăn cắp được” (thực ra là đồ rởm); lừa làm người đang cần tiền gấp phải bán vàng với giá rẻ để bán vàng giả; lừa cho nạn nhân chú ý đến một món lợi nào đó rồi vờ giữ hộ máy tính, xe máy… để chiếm đoạt. Hoặc lừa bằng cách chỉ ra cho nạn nhân một căn bệnh rồi yêu cầu nạn nhân đưa tiền hứa đưa đi mua thuốc chữa khỏi. Tiền mua thuốc lên tới vài chục triệu đồng, nhưng thuốc mà khách hàng nhận được chỉ là vài gói bột lá vớ vẩn. Không ít đối tượng còn tự xưng là nhân viên của trung tâm y tế đến phát thuốc phòng chân tay miệng, phun thuốc muỗi, đưa cho chủ nhà vài tờ giấy đểu, đóng dấu giả yêu cầu ký tá như thật. Thực chất là để bán vài gói thuốc bột giá vài nghìn đồng với giá vài trăm nghìn đồng.

Thủ đoạn nhiều, xử lý ít

Một thủ đoạn mới nhất hiện nay mà rất nhiều người vì lòng tốt và sự cả tin đã mất số tiền lớn. Các đối tượng đã câu kết với một số đối tượng là người nước ngoài, ăn mặc lịch sự, đi xe ô tô xịn trông không khác nào một đoàn khách đưa người người nước ngoài đi du lịch. Nạn nhân mà các đối tượng này tìm đến là những cửa hàng kinh doanh lớn, hoặc các nhà hàng ăn uống. Bọn chúng đưa các loại tiền nước ngoài, hoặc đô la, vờ muốn mua hàng, ăn nhà hàng rồi tranh thủ nhờ chủ nhà hàng đổi tiền với số lượng lớn có khi là cả nghìn USD để tiêu ở Việt Nam cho tiện và tất nhiên khi đổi tiền thì các đối tượng bao giờ cũng chịu “thiệt” một chút. Trong lúc đổi tiền các đối tượng vờ đánh rơi một vài tờ và cố tình lóng ngóng để chủ nhà cúi xuống nhặt. Lợi dụng sự lơ đãng bọn chúng đã đánh tráo số tiền đô la mà chúng định đổi thành tiền giả. Cho đến khi các đối tượng cao chạy xa bay, chủ nhà đếm lại tiền để cất vào thủ thì hóa ra chỉ có vài tờ tiền thật còn lại toàn là tiền… âm phủ.

Cơ quan công an đã bắt giữ và khởi tố một số vụ mà các đối tượng lừa đảo bằng các hình thức trên. Song thực tế các vụ lừa đảo này, nạn nhân thường bị các đối tượng lừa đảo đánh vào lòng tham hám lợi, hoa mắt vì tiền nên khi vụ việc vỡ lở lại ngại không dám nói với mọi người cũng như không trình báo với cơ quan công an. Trong khi đó, các đối tượng lừa đảo thì hoạt động ngày càng tinh vi với những chiêu thức thủ đoạn mới. Bọn chúng liên tục thay đổi phương thức thủ đoạn hoạt động nên càng ngày càng có nhiều người bị mắc bẫy lừa. Thực tế này, dẫn đến nhiều khó khăn cho cơ quan công an khi xử lý đối tượng. Thiếu tá Quách Tuấn - Đội phó Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - CAQ Cầu Giấy cho biết hình thức lừa đảo bán thuốc chữa bệnh đã xuất hiện khá lâu trên địa bàn Hà Nội, số nạn nhân cũng rất nhiều nhưng đến nay tại Cấu Giấy mới xử lý hình sự được 2 vụ. Sau khi các đối tượng bị bắt giữ thì đã có hàng trăm đơn của người dân gửi đến trình báo về việc bị lừa. Rất nhiều trường hợp, nạn nhân phải đi vay mượn, thậm chí mang cả sổ tiết kiệm đi rút để mua những gói thuốc mà sau đó cơ quan điều tra kết luận chỉ là những… hạt hạnh nhân hoặc một loại thuốc đông y rẻ tiền.

Qua việc bắt giữ một số đối tượng lừa đảo, cơ quan công an đã tiến hành điều tra mở rộng thì được biết tại nhiều địa phương hiện nay đã hình thành các nhóm đối tượng chuyên đi lừa với thủ đoạn tương tự. Chính vì nạn nhân vì hám lợi mà bị các đối tượng dẫn dụ “móc túi” tiền thật để mua hàng giả, nhưng vì các chiêu thức lừa đảo quá tinh vi khiến cho mọi người tưởng mình bị ma đưa lối quỷ dẫn đường hoặc cho rằng mình bị các đối tượng thôi miên. Cũng theo Thiếu tá Quách Tuấn thì qua việc bắt giữ các đối tượng lừa đảo, cơ quan công an không phát hiện tang vật là thuốc ngủ hoặc thuốc mê. Mặt khác nếu bị đánh thuốc mê thì nạn nhân không thể tỉnh táo để về nhà lấy tiền trả chúng. 

Vì vậy, cơ quan công an khuyến cáo để phòng ngừa hiệu quả loại tội phạm này, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước những đối tượng lạ làm quen giới thiệu thuốc hoặc các mặt hàng lạ, không nên vì một món lợi nhuận mà mất cảnh giác, hoặc tin vào những bài thuốc chữa bệnh “thần kỳ” mà chúng vẽ ra. Khi phát hiện những đối tượng có dấu hiệu lừa đảo như vậy, cần nhanh chóng thông tin cho cơ quan công an để phối hợp bắt giữ, điều tra. 

Khoảng 9h ngày 16-3, tại nhà bà Nguyễn Thị Viện ( SN 1957, trú tại xóm 8, xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu, Nghệ An), bị hai đối tượng vào nhà giới thiệu mua vé trúng thưởng xe máy đã lừa đảo bằng hình thức thôi miên. Với hình thức đó, bà Viện đưa tiền và vàng 3 lần (5 chỉ vàng và 4 triệu đồng tiền mặt), tổng trị gia tài sản khoảng 30 triệu đồng. Hiện Công an huyện Quỳnh Lưu đang điều tra làm rõ vụ việc trên.

Cũng trong ngày 16-3, CA phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai bắt Nguyễn Viết Điển (SN 1970) và Nguyễn Hữu Thắng (SN 1985) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Điển và Thắng đã giả danh là Thanh tra Công ty nước sạch Hà Nội vào gia đình ông Nguyễn Văn Quyết (SN 1959) và gia đình bà Nguyễn Kim Hoa (SN 1963), đều trú tại tổ 9, phường Thịnh Liệt kiểm tra và yêu cầu ông, bà đưa cho chúng 10 triệu đồng, nếu không sẽ lập biên bản và xử lý vì hệ thống nước của 2 gia đình không đúng quy định. Khi hai đối tượng đang nhận tiền thì bị Công an phường bắt giữ. CA quận Hoàng Mai lập hồ sơ xử lý.