Ly thân cũng phải khai báo?!

ANTĐ - Cho rằng ly thân là vấn đề khá phổ biến trong xã hội, nhiều ý kiến cho rằng cần đưa ly thân vào Luật, cần cấp phép và có sự can thiệp của Toà án. Đây là một phần nội dung được bàn luận trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) năm 2000 do Bộ Tư pháp chủ trì vừa qua. 

Ly thân cũng phải khai báo?! ảnh 1
Nhiều mối quan hệ trong hôn nhân-gia đình hiện đại đang cần được điều chỉnh 

“Cấp phép” cho ly thân

Theo ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp), báo cáo của tỉnh Thanh Hoá cho biết, có đến 90% các vụ ly hôn tại tỉnh đã có thời gian ly thân. Không ít gia đình nảy sinh mâu thuẫn, vợ chồng khó hoà hợp, tuy nhiên, họ lại vướng nhiều vấn đề về tài sản và con cái  nên muốn ly thân. Các đại biểu nhận định, ly thân sẽ giúp con cái đỡ bị tổn thương, hạn chế bạo lực gia đình. Và sau khi có thời gian để suy nghĩ lại, các cặp vợ chồng có thể quay về hàn gắn gia đình. 

Phương án đề ra là UBND sẽ có thẩm quyền “cấp phép” ly thân, việc ly thân được ghi chú vào Sổ bộ hộ tịch và Sổ hộ tịch cá nhân. Nếu có tranh chấp về tài sản và con cái thì việc ly thân sẽ được Toà án phân xử như... ly hôn. Tuy nhiên, bà Hà Thanh Vân (Hội LHPN Việt Nam) cho rằng, đối với văn hoá người Việt, ly thân là vấn đề “đóng cửa bảo nhau”, chưa muốn “vạch áo cho người xem lưng” rằng hai vợ chồng đang cãi cọ, xích mích, nên sẽ không ai ra Toà đòi ly thân, càng không thích việc ly thân của mình được ghi trong Sổ hộ tịch như một “tiền án”. Còn nếu đến mức ra Toà phân chia tài sản và con cái thì cũng chẳng khác gì ly hôn. Thậm chí, nếu ly thân mà vẫn sống trong một mái nhà thì sự kiểm soát, bạo lực còn diễn ra phức tạp hơn. 

Trong vấn đề ly hôn, phương án sửa đổi cũng đề nghị “nếu hai vợ chồng cùng đồng thuận ly hôn, không có tranh chấp về tài sản và con cái thì chỉ cần ra UBND để huỷ hôn chứ không cần phân giải ở Toà”. Ông Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, đây là một điều khoản nên sửa đổi. “UBND là nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn theo sự đồng thuận của hai bên, thì cũng có thể huỷ hôn theo sự đồng thuận, việc gì phải ra Toà, hoà giải lên xuống, mất thời gian, mất công sức” – ông Vân cho biết. 

Ngoài ra, theo ông Huệ, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa căn cứ ly hôn vào luật. Nếu một bên vợ (chồng) ngoại tình, bị truy nã, bạo lực gia đình hoặc bỏ lửng vợ (chồng) trong thời gian dài thì sẽ bị xét là yếu tố lỗi gây đổ vỡ hôn nhân. 

Cần cụ thể, chi tiết Luật

Các đại biểu cho rằng, Luật HNGĐ 2000 đã quy định nhiều điều chung chung, làm khó người thi hành luật. Ví dụ, tại  Điều 89 quy định căn cứ ly hôn “Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án quyết định cho ly hôn”. Theo đại biểu tỉnh Thanh Hoá, Luật chưa lý giải được thế nào là tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Vì vậy, việc đánh giá thế nào là “nghiêm trọng” đều tuỳ thuộc vào cảm nhận, ý chí chủ quan của thẩm phán. Như vậy sẽ có thể khiến quyền lợi chính đáng của nhiều người bị ảnh hưởng. 

Luật cũng quy định cấm kết hôn với người “mất năng lực hành vi” (người tâm thần, bị truy tố). Tuy nhiên, điều này lại do Toà án quyết định, không ai trước khi kết hôn lại đi “đòi” Toà xem xét mình có đủ “năng lực hành vi” hay không. Do đó, việc cấm người “mất năng lực hành vi” đăng ký kết hôn cũng rất mơ hồ. 

Ông Tưởng Duy Lượng – Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, cần đưa vào Luật nhiều nhóm đối tượng mới như: Sống chung như vợ chồng, hôn nhân bất hợp pháp, chung sống giữa những người đồng tính. “Tuy luật pháp không công nhận, nhưng họ vẫn chung sống với nhau, cũng phát sinh các vấn đề như hôn nhân hợp pháp như: con cái, tài sản… Do đó, Luật cũng cần điều chỉnh để giải quyết vấn đề này” – ông Lượng đề xuất. 

Ngoài ra, các đại biểu còn đề xuất nhiều ý kiến mà Luật HNGĐ 2000 đã lạc hậu hoặc chưa đề cập đến như: bác bỏ điều cấm chung sống giữa những người đồng tính, chấp nhận mang thai hộ với ý nghĩa nhân đạo, quy định thêm quyền đại diện yêu cầu ly hôn cho người bị tâm thần, quy định rõ về tài sản chung-riêng trong hôn nhân… 

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, các vụ việc về hôn nhân và gia đình do Tòa án thụ lý ở cấp sơ thẩm có xu hướng ngày càng tăng, năm 2005 có 55.664 vụ án ly hôn, chia tài sản chung của vợ chồng và 7.612 vụ việc HNGĐ thì năm 2012 có tới 13.8057 vụ ly hôn, chia tài sản và 10.963 việc HNGĐ.