- Thành phố của những người "không có mũi" thời Ai Cập cổ đại
- Những điều thú vị về lương của người lao động Ai Cập cổ đại
- Những sự thật đáng kinh ngạc về nền văn minh Ai Cập cổ đại
Phát hiện lần đầu là một lăng mộ... rỗng
Tuần trước, Quỹ nghiên cứu Vương quốc mới, một tổ chức học thuật độc lập của Anh và Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập đã tiết lộ rằng một dự án do nhà khảo cổ Piers Litherland dẫn đầu đã tìm thấy lăng mộ đầu tiên được cho là thuộc về Pharaoh Thutmose II, sau hơn một thập kỷ nghiên cứu thực địa.
![]() |
Thung lũng các vị vua ở Luxor, miền Nam Ai Cập, gần nơi tìm thấy lăng mộ của vua Thutmose II |
Năm 2022, nhóm của ông Piers Litherland đã phát hiện lăng mộ này bên dưới một thác nước ở dãy núi Theban của Luxor, cách Thung lũng các vị vua khoảng 3km về phía Tây.
“Phát hiện này giải đáp một bí ẩn lớn của Ai Cập cổ đại: vị trí lăng mộ của vị vua đầu triều đại thứ 18. Ngôi mộ của tổ tiên Pharaoh Tutankhamun chưa bao giờ được tìm thấy vì người ta luôn cho rằng nó nằm ở đầu bên kia của ngọn núi gần Thung lũng các vị vua”, ông Litherland nói với phương tiện truyền thông.
Chỉ có điều, đó là một ngôi mộ trống rỗng. Nhóm nghiên cứu tin rằng lăng mộ đã bị ngập lụt và phải di dời trong vòng 6 năm sau khi vị Hoàng đế Ai Cập qua đời vào năm 1479 trước Công nguyên.
Câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn khi nhà khảo cổ Litherland tin rằng, ông đã xác định được vị trí của ngôi mộ thứ hai thuộc về vua Thutmose II. Và ngôi mộ này, ông nghi ngờ, sẽ chứa xác ướp và đồ tùy táng của vị pharaoh trẻ tuổi.
Lăng mộ thứ hai có thể nằm dưới núi đá nhân tạo
Theo đó, ngôi mộ thứ hai này tồn tại 3.500 năm, được chôn giấu bí mật bên dưới 23m vảy đá vôi, đá vụn, tro, thạch cao bùn trông hình dáng như một ngọn núi.
“Chúng tôi tin dưới lớp đá nhân tạo 23m ẩn giấu một công trình tốn kém và nhiều công sức, đó là ngôi mộ thứ hai của Thutmose II”, ông Litherland suy đoán.
![]() |
Hình ảnh do Bộ Cổ vật Ai Cập công bố cho thấy lối vào lăng mộ của vua Thutmose II ở Luxor, miền Nam Ai Cập |
Trong khi tìm kiếm gần ngôi mộ đầu tiên để tìm manh mối về việc đồ đạc của nó được mang đi đâu sau trận lụt, nhà khảo cổ Litherland đã tìm thấy một dòng chữ khắc rằng người chết được chôn trong một cái hố với một con bò hiến tế. Điều này cho thấy, phần mộ có thể đã được Hatshepsut – người vợ, cũng là chị cùng cha khác mẹ của nhà vua Thutmose II, một trong số ít nữ vương Ai Cập - chuyển đến một ngôi mộ thứ hai chưa được phát hiện gần đó.
Trong khoảng một năm, ông Litherland và nhóm các nhà khảo cổ học Ai Cập đã nghiên cứu các cách để tiếp cận địa điểm có khả năng là ngôi mộ thứ hai. Thông thường, các ngôi mộ cổ đều được ẩn giấu kỹ lưỡng. Lần này cũng vậy, người Ai Cập cổ đại đẩy phần lớn vách đá xung quanh xuống hố chôn. Những tảng đá lớn này - một số có kích thước bằng một chiếc ô tô - sau đó được cố định bằng thạch cao đá vôi.
Hiện tại, nhóm của ông Litherland đang cố gắng tách những tảng đá và lớp thạch cao bằng biện pháp thủ công nhưng khá chật vật. Cách đây 3 tuần, họ đã đưa ra quyết định khó khăn là dỡ bỏ toàn bộ cấu trúc nhô ra khỏi vách đá và đã đi được một nửa chặng đường. “Chúng tôi sẽ có thể phá bỏ toàn bộ trong khoảng một tháng nữa”, nhà khảo cổ Litherland cho biết.
Ý tưởng của kiến trúc sư cổ đại
Nhà khảo cổ người Anh suy đoán rằng cả hai ngôi mộ đều được xây dựng bởi kiến trúc sư Ineni của triều đại thứ 18, người đã viết trong tiểu sử của mình rằng ông đã “làm lăng mộ cho Hoàng đế để không ai nhìn thấy, không ai nghe thấy” và phải đối mặt với “một vấn đề rất nghiêm trọng” sau khi ngôi mộ đầu tiên bị ngập.
![]() |
Nhà khảo cổ học người Anh Piers Litherland (thứ hai bên phải, hàng dưới) cùng nhóm khai quật đang chinh phục khám phá lớn nhất thế kỷ về văn minh Ai Cập cổ đại |
Tất cả các vị vua từ triều đại thứ 18 đều được chôn cất dưới thác nước. Bằng cách phủ nhiều lớp thạch cao và mảnh đá vôi lên ngôi mộ, Ineni đã tránh được việc ngập nước đồng thời niêm phong và che giấu địa điểm này.
“Ineni nói trong tiểu sử của mình rằng ông đã làm rất nhiều điều thông minh để che giấu vị trí của các ngôi mộ, bao gồm cả việc phủ nhiều lớp thạch cao bùn lên các ngôi mộ, điều chưa từng được thực hiện trước đây”, ông Litherland giải thích.
Đây có vẻ là một chiến lược hiệu quả. Bởi trong khi nhân loại đã tìm thấy hầu hết đồ tùy táng của các pharaoh từ triều đại thứ 18, 19 và 20 thì dấu tích thuộc về Pharaoh Thutmose II chưa từng xuất hiện trong bất kỳ bảo tàng hay bộ sưu tập tư nhân nào. Trong tiểu sử của Ineni, pharaoh này rất trẻ. Ông chỉ trị vì trong 3 đến 4 năm và qua đời ngay sau khi sinh Thutmose III.
Đối với ông Litherland, người đã bị mê hoặc bởi văn minh Ai Cập cổ đại từ khi còn nhỏ, nếu tìm thấy nơi an nghỉ cuối cùng của Thutmose II thì đó là điều thật phi thường trong sự nghiệp mà bất kỳ nhà khảo cổ học nào cũng mơ tới.