Ly hôn giả để sinh con thứ... ba

ANTĐ - Sinh con thứ 3 những năm gần đây đang có xu hướng tăng mạnh trở lại.  Điều đáng nói là, nhiều con thứ 3 lại được sinh ra trong những gia đình cán bộ, đảng viên, hoặc có chức vụ. Để “né” bị  kỷ luật, không ít cặp vợ chồng nghĩ đến việc ly hôn giả, thậm chí “chạy” cho đứa con dứt ruột đẻ ra giấy chứng nhận… tâm thần để được sinh đứa con thứ ba.

Báo động sinh con thứ 3

Trong 8 nội dung kinh tế, xã hội không đạt so với chỉ tiêu HĐND TP Hà Nội giao trong năm 2012, dân số (DS) có hai nội dung đó là tỷ suất sinh thô và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên vượt mức. Mục tiêu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 không những không đạt mà còn tăng 1,04% so với kế hoạch. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ ngày một tăng. Nếu như năm 2006, số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số ở huyện Phúc Thọ là 13 người thì trong 11 tháng của năm 2012, con số này là 21 người.

Ở huyện Đông Anh, 10 tháng đầu năm 2012 đã ghi nhận 11 trường hợp cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba (6 cán bộ, 5 đảng viên). Sự nới lỏng về mức phạt đối với hành vi vi phạm chính sách dân số trong các quy định của  Nhà nước khiến số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số tăng vọt. Nếu như trước đây cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 bị cảnh cáo hoặc thôi việc thì hiện nay chỉ bị khiển trách. Ông Doãn Trung Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, từ năm 2011 về trước, 100% cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba trở lên ở Phúc Thọ bị khai trừ khỏi Đảng, cảnh cáo hoặc cách chức, nhưng năm 2012, 21 cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số ở Phúc Thọ chỉ bị khiển trách, không có người nào bị cảnh cáo, khai trừ khỏi Đảng hoặc hạ bậc lương… Sự nới lỏng của các quy định có tính chất quy phạm pháp luật khiến người dân ngầm hiểu Nhà nước cho phép sinh con thứ ba trở lên. 

Điển hình trong việc sinh con thứ 3 là xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì. Ở đây đã trở thành “điểm đen” dân số của huyện Ba Vì với số người sinh con thứ 3 trở lên tăng 24% năm 2011 và 18,5% năm 2012 vì xã có khoảng 2000 người trong độ tuổi sinh đẻ đi làm ăn xa nên truyền thông không thể tới được nhóm đối tượng này. Mặt khác, nhóm người đi làm ăn xa, có thu nhập khá, họ mong muốn có nhiều con cho “vui cửa, vui nhà”, cho “đủ nếp đủ tẻ” hoặc đề phòng rủi ro nên sinh thêm con thứ ba, thứ tư.

Ông Nguyễn Đình Lân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết: “Vấn đề sinh con thứ 3 ở giai đoạn này khác giai đoạn trước. Những người có điều kiện kinh tế muốn sinh thêm con. Tuyên truyền vận động đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn. 

Ly hôn giả để sinh con thứ 3 và những bi kịch

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoài ở Cầu Giấy,  Hà Nội đã có 2 con gái. Nhưng vì chồng chị là con trai trưởng nên muốn có thêm một đứa con trai. Đây là niềm khao khát lớn nhất của cả gia đình chị. Tuy nhiên vì chồng chị đang là trưởng phòng một cơ quan Nhà nước, tương lai còn lên nữa. Chị cũng là hiệu phó một trường mầm non nên nếu 2 vợ chồng sinh con thứ 3 thì sẽ rất khó khăn trong việc đề bạt sau này. Vì vậy gia đình chị đang tính đến việc ly hôn giả để sinh thêm con thứ 3. Sau khi sinh con xong thì có thể lại quay về với nhau.

Hiện nay, cũng có một số cặp vợ chồng dùng cách thức ly hôn, sau đó sinh con thứ ba, rồi lại đăng ký kết hôn  lại. Theo luật sư Trần Thị Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội ngoài ly hôn giả vì mục đích tẩu tán tài sản khi thanh toán nợ, mục đích xuất ngoại, xuất khẩu lao động thì gần đây có cả trường hợp để được sinh con thứ ba. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có kết cục như toan tính bởi thủ thuật hôn nhân này là “dao hai lưỡi”. Đã có không ít người dù có lọt qua kẽ hở của luật pháp cũng không đạt được điều họ muốn. Trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Minh Hải, quận Hà Đông là một ví dụ. Vì muốn sinh con thứ 3 nên vợ chồng anh ly hôn giả. Tuy nhiên trong thời gian này anh đi công tác nước ngoài và đã nảy sinh tình cảm với một cô gái khác. Sau khi về nước, vợ anh bắt quả tang hai người ngủ với nhau. Vợ anh phản ứng thì anh Hải cho biết đã ly hôn thì không có quyền gì để ghen tuông. Chị vợ không biết làm cách nào để chứng minh việc ly hôn với chồng chỉ là giả để ngăn chặn cô gái kia đến với chồng mình. Cuối cùng chị đành phải cắn răng chấp nhận chuyện ly hôn giả giờ đã thành thật.

Luật sư Trần Thị Hà cũng cho rằng dù là ly hôn giả nhưng nếu đã được tòa án chấp nhận thì hậu quả pháp lý của việc ly hôn cũng giống như ly hôn thật, tức là sẽ chấm dứt quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng. Pháp luật không thể bảo vệ quyền làm chồng hay làm vợ của những người đã ly hôn, bất kể nội tình sự việc là giả hay thật. Do đó, các vợ chồng không nên vì những toan tính thực dụng mà quyết định ly hôn giả để rồi đánh mất tất cả!. Đứng về phía đạo đức xã hội, ly hôn giả cũng sẽ bị lên án bởi hôn nhân là chuyện trăm năm của đời người, nên cả vợ và chồng phải biết nâng niu, gìn giữ, không thể đem nó ra làm trò đùa hay sự đổi chác. 

Tìm đủ cách để được sinh bé thứ 3

Không chỉ nghĩ đến việc ly hôn giả, trên thực tế đã có những gia đình vì muốn sinh con thứ ba còn tìm cách chạy bác sĩ bệnh viện tâm thần để có được giấy chứng nhận… con đẻ bị tâm thần để được sinh con thứ 3. Tuy nhiên đứng về góc độ pháp luật và đạo đức, những người làm cha mẹ như vậy cũng là việc không thể chấp nhận.

Chị Nguyễn Ngọc Lan, giáo viên một trường mầm non tại quận Thanh Xuân dù biết là bị kỷ luật vẫn sinh con thứ ba. Chị chia sẻ: Gia đình chị mong muốn có con trai. Dù kinh tế gia đình vẫn còn khó khăn, hơn nữa sinh con thứ 3 có thể bị kỷ luật nhưng tôi nghĩ tài sản lớn nhất đời người là đứa con. Đồng thời có thể giữ gìn được hạnh phúc gia đình nên tôi quyết định sinh thêm một em bé nữa. 

Cũng chính vì suy nghĩ kỷ luật hoặc phạt cũng chả sao nên hiện nay không ít gia đình sinh con thứ 3. Nhiều đảng viên, cán bộ cũng sẵn sàng nhận kỷ luật để sinh thêm con bởi tâm lý trọng nam khinh nữ không dễ thay đổi một sớm một chiều. Bên cạnh đó, phần lớn phụ nữ không chủ động được trong việc sinh con mà phải chịu sức ép từ phía gia đình chồng. Vì vậy cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn pháp lệnh dân số, cung cấp các thông tin về dịch vụ sức khỏe sinh sản kịp thời đến toàn bộ nhân dân. Không chỉ có chị em phụ nữ. Và điều đáng nói là hiện nay chưa có văn bản nào của Nhà nước quy định cụ thể các hình thức xử lý công chức, viên chức vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ.

Hình thức xử lý cụ thể cho mỗi công chức, viên chức vi phạm được thực hiện theo quy định trong nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị đó đề ra. Như vậy, sẽ là không công bằng về mặt pháp lý đối với từng đối tượng có vi phạm. Chẳng hạn như ở vùng sâu vùng xa, hoặc các vùng nông thôn, những người sinh con thứ ba thường không bị xử lý vì các đối tượng này không có những trách nhiệm ràng buộc. Còn ở các cơ quan, đơn vị, công chức nhà nước thì lại bị kỷ luật, trong đó có cơ quan thì xử nặng, có cơ quan thì xử nhẹ. Đối với những nơi “làm chặt” công tác dân số, có hình thức kỷ luật nặng, thì những người có ý định vi phạm lại tìm cách lách luật kiểu như tạm thời ly hôn, tạm thời cho con đẻ làm con nuôi, hoặc chứng nhận con tâm thần như đã nói ở trên. Điều đó sẽ làm nảy sinh rất nhiều hệ lụy mà xã hội phải giải quyết. Đồng thời công tác dân số cũng không được đảm bảo. Chính vì vậy chính sách dân số cần có những quy định mềm dẻo, linh hoạt và cụ thể để vừa đảm bảo không xảy ra tình trạng lách luật gây những hệ lụy xấu vừa đảm bảo công tác 

dân số.

Luật sư Trần Thị Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Ly hôn giả tạo là vi phạm pháp luật

Việc vợ chồng tạm thời ly hôn xét về tình và lý đều không nên. Về lý mà nói, việc vợ chồng tạm thời ly hôn để sinh con thứ ba được coi là ly hôn giả tạo. Đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình. Khoản 2 Điều 4 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, ly hôn; cấm cưỡng ép ly hôn, ly hôn giả tạo; cấm yêu sách của cải trong việc cưới hỏi. Thêm vào đó, việc ly hôn giả  sẽ nảy sinh hàng loạt những trắc trở khó lường, nhất là trong quan hệ vợ chồng cũng như đối với dư luận xã hội. Bên cạnh đó, thủ tục ly hôn không hề đơn giản và thời gian kéo dài, có thể đã sinh con xong rồi vẫn chưa có quyết định công nhận việc ly hôn.

Quy định pháp luật về các trường hợp được sinh con thứ 3 (7 trường hợp)
- Cặp vợ chồng sinh con thứ 3, nếu cả 2 hoặc 1 trong 2 người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân;
- Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh 3 con trở lên;
- Cặp vợ chồng đã có 1 con đẻ, sinh lần thứ 2 mà sinh 2 con trở lên;
- Cặp vợ chồng sinh lần thứ 3 trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi; 
- Cặp vợ chồng sinh con lần thứ 3, nếu đã có 2 con đẻ nhưng 1 hoặc cả 2 con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền;
- Nếu vợ hoặc chồng đã có con riêng thì được sinh 1 con hoặc 2 con. Ở trường hợp này, nếu cả 2 người đã có con riêng cũng được sinh 1 hoặc 2 con trở lên trong cùng 1 lần sinh.
- Trường hợp thứ bảy là phụ nữ chưa kết hôn sinh 1 hoặc 2 con trở lên trong cùng một lần sinh.