Dịch bệnh bạch hầu bùng phát ở Tây Nguyên (2):

Lý giải nguyên nhân đã tiêm vaccine phòng bạch hầu vẫn mắc bệnh, tử vong

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngoài nguyên nhân tỷ lệ tiêm chủng vaccine đạt thấp thì trong số những ca bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên vừa qua có cả những trường hợp đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh, thậm chí tử vong. 

Lý giải nguyên nhân đã tiêm vaccine phòng bạch hầu vẫn mắc bệnh, tử vong ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên

Trao đổi với Báo ANTĐ về vấn đề này, bác sĩ Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện E cho biết, nguyên nhân đầu tiên vẫn là do tỷ lệ tiêm chủng thấp, những người không tiêm vaccine có thể trở thành người lành mang trùng mà không biết. Những người lành mang trùng này sống trong cộng đồng, khi gặp phải tác nhân thuận lợi sẽ mắc bệnh hoặc trở thành nguồn lây bệnh. Khi độ phủ vaccine thấp sẽ không đủ tạo miễn dịch cộng đồng.

Thứ hai, ngay cả những người đã được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu thì cũng không có loại vaccine nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, tức vẫn có tỷ lệ nhất định dù được tiêm vaccine nhưng không đủ miễn dịch phòng bệnh. Đấy là chưa kể những trường hợp không được tiêm đúng lịch, nhất là tiêm thiếu mũi nên hiệu quả phòng bệnh thấp. Chẳng hạn, các loại vaccine phòng bệnh hầu như vaccine SII hoặc vaccine ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đều được khuyến cáo tiêm 4 mũi nhưng vì các lý do khác nhau mà sẽ có những trẻ không tiêm đủ mũi.

Thứ ba, ngay cả khi được tiêm vaccine đủ mũi, đúng lịch thì các loại vaccine phòng bệnh bạch hầu thường đạt hiệu quả miễn dịch phòng bệnh cao trong khoảng 10 năm đầu. Tức theo thời gian thì hiệu lực phòng bệnh của vaccine này sẽ giảm xuống và nếu không được tiêm nhắc lại sẽ có thể mắc bệnh. Tương tự, TS Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, trong tiêm chủng luôn có tỷ lệ nhất định những người được tiêm vaccine nhưng không đáp ứng miễn dịch tốt, do đó khi gặp các nguồn bệnh với một mức độ phù hợp sẽ mắc bệnh.

Mặt khác, qua phân tích, trong số những trường hợp bị bạch hầu ở Tây Nguyên vừa qua thì hơn 90% rơi vào nhóm tuổi lớn hơn 7 tuổi. “Đặc điểm của vaccine phòng bệnh bạch hầu là sau khi tiêm thì chỉ có hiệu lực bảo vệ cao đến năm 7 tuổi phải tiêm nhắc lại, 12 tuổi phải tiêm nhắc lại, 18 tuổi phải tiêm nhắc lại lần nữa” - TS Viên Chinh Chiến phân tích. Dù vậy, ông Chiến khẳng định, giải pháp bền vững và an toàn nhất để phòng bệnh bạch hầu vẫn phải là tiêm vaccine, và điều quan trọng là phải đảm bảo đạt được tỷ lệ tiêm chủng trên 90% theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các chuyên gia cũng cho biết, bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. 

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo biện pháp phòng bệnh bạch hầu

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.