Lý giải cuộc cải tổ nội các gây chấn động ở Brazil

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ trong ngày 29-3, 6 thành viên nội các cùng với các tướng lĩnh hàng đầu của quân đội Brazil mất chức. Cuộc cải tổ nội các bất ngờ này mở màn bằng sự ra đi của Bộ trưởng Ngoại giao Brazil trước đó một ngày. Dư luận đang tự hỏi lý do gì Tổng thống Jair Bolsonaro thay thế hàng loạt quan chức hàng đầu như vậy?

Brazil đã ghi nhận kỷ lục mới về số ca tử vong trong ngày vào hôm 30-3 với 3.780 người và các khu điều trị đặc biệt ở 14/26 bang đều kín giường đến 90%. Brazil hiện phải đối mặt với những gì mà các nhà phân tích sức khỏe cộng đồng cho rằng có thể là những tuần đen tối nhất của đại dịch khi xuất hiện rạn nứt trong tầng lớp lãnh đạo. Đại dịch Covid-19 làm tê liệt các bệnh viện trên khắp đất nước, nhưng sự hỗn loạn về chính trị càng làm dư luận ở quốc gia lớn nhất châu Mỹ Latinh thêm rối bời.

Quyết định thay thế hàng loạt quan chức của Tổng thống Brazil khiến dư luận bất ngờ

Quyết định thay thế hàng loạt quan chức của Tổng thống Brazil khiến dư luận bất ngờ

Hành động tự vệ trong cuộc khủng hoảng “kép”

Trung tâm của làn sóng khủng hoảng này là việc Tổng thống Bolsonaro miễn nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Brazil, Tướng Fernando Azevedo e Silva hôm 29-3. Vài giờ sau, 3 vị tướng lĩnh đứng đầu các nhánh lục quân, không quân và hải quân của Brazil được cho là đã bị sa thải sau khi ông Bolsonaro phát hiện ra họ đã sẵn sàng từ chức để phản đối.

Những thay đổi đột ngột trong hàng ngũ lãnh đạo cho thấy sự tuyệt vọng về chính trị trong dinh tổng thống. Hệ thống y tế Brazil đã sụp đổ. Khoảng 2.600 người chết vì Covid-19 mỗi ngày. Và người Brazil đang ngày càng muốn đổ lỗi cho những thất bại trong đại dịch cho ông Bolsonaro. Đầu tháng 3-2021, lãnh đạo Quốc hội ám chỉ Tổng thống có thể phải đối mặt với sự luận tội. Ricardo Ismael, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Công giáo ở Rio de Janeiro, cho biết: “Đây là những hành động tự vệ. Quanh ông ta là cả một sự mong manh”.

Cảm giác đó chỉ trở nên sâu sắc hơn kể từ khi đối thủ chính trị lớn nhất của ông Bolsonaro, cựu Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, ra tù và hiện được tòa án tối cao cho phép tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2022. Các nhà phân tích cho rằng, nếu ông Bolsonaro muốn duy trì quyền lực, dập tắt các lời kêu gọi luận tội và cuối cùng là mục tiêu tái đắc cử, ông phải sớm thay đổi.

Matias Spektor, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Fundação Getúlio Vargas ở São Paulo, cho biết: “Ông ấy đang cảm thấy nóng ruột. Ông ấy biết mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới và ông ấy cần chuẩn bị cho điều đó và sẵn sàng cho cuộc bầu cử tiếp theo”.

… Hay sự bốc đồng độc đoán?

Ông Bolsonaro đã phần nào thay đổi thông điệp của mình về đại dịch, sau khi hạ thấp nguy cơ virus. Vốn là một người hoài nghi, ông bắt đầu đeo khẩu trang. Ông cũng chấp nhận vaccine, thứ mà trước đây ông lo ngại có thể biến con người thành cá sấu. Ông đã cách chức Bộ trưởng y tế - một vị tướng quân đội và thay thế bằng một bác sĩ tim mạch. Và cuối cùng, ông đã loại bỏ Bộ trưởng Ngoại giao, người bị Quốc hội chỉ trích vì không đảm bảo đủ nguồn cung cấp vaccine Covid-19 từ các nước khác.

Ở một đất nước đã trải qua nhiều thập kỷ dưới chế độ độc tài quân sự như Brazil, sự ra đi của các quan chức quân đội hàng đầu đã gây ra sự bất bình rộng rãi và làm dấy lên lo ngại về sự bốc đồng độc đoán của Tổng thống Bolsonaro. Phần lớn thế giới đang chứng kiến đại dịch giảm xuống nhưng đại dịch ở Brazil đang tồi tệ hơn bao giờ hết.

Giáo sư Carlos Melo tại trường nghiên cứu và giáo dục Insper thuộc Đại học São Paulo cho biết: “Ông ấy vẫn nghĩ rằng, ngay khi được bầu, ông ấy đã là nhà nước, rằng các thể chế phụ thuộc vào ông ta chứ không phải nhà nước”.

Các nhà lãnh đạo của phe đối lập ở Brazil đã kêu gọi Tổng thống Jair Bolsonaro ngay lập tức bị cách chức để ngăn chặn “ảo tưởng độc tài, đảo chính” của ông trở thành hiện thực.

Không có gì ngạc nhiên khi chính phủ của ông Jair Bolsonaro rơi vào khủng hoảng, vì đại dịch Covid-19 tại nước này vẫn theo chiều hướng ngày càng tồi tệ hơn. Và sự thay đổi đột ngột trong hàng ngũ lãnh đạo đầu tuần này đã làm dấy lên lo ngại rằng người dân Brazil có thể sớm đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện bên cạnh thảm họa sức khỏe cộng đồng đã diễn ra suốt vài tháng qua.