Lý do Trung Quốc mời các tướng lĩnh hàng đầu châu Phi tới Bắc Kinh

ANTD.VN - Khẳng định những lợi ích chiến lược của Bắc Kinh ở châu Phi, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã mời đại biểu quân sự cấp cao từ 50 quốc gia châu Phi dự Diễn đàn An ninh - Quốc phòng Trung Quốc - châu Phi lần thứ nhất diễn ra từ ngày 26-6 đến 10-7-2018 tại Thủ đô Bắc Kinh. Bài viết của Hãng tin DW đã phân tích những mối quan hệ ngày càng phức tạp của Trung Quốc tại lục địa đen.

Quân đội Trung Quốc tại lễ khai trương căn cứ quân sự nước này tại đảo quốc Djibouti ở châu Phi ngày 1-8-2017

Các chiến lược hợp tác mới của Trung Quốc với tư cách là một nhà đầu tư và đối tác thương mại đang gia tăng ở châu Phi được xác định là chủ đề nổi bật tại Diễn đàn An ninh - Quốc phòng Trung Quốc - châu Phi lần này. 

Đầu tư rộng rãi ở nhiều quốc gia châu Phi

“Đảm bảo các tuyến thương mại là yêu cầu quan trọng đối với Trung Quốc vì bờ biển phía Đông Bắc của châu Phi đến kênh đào Suez là một phần của con đường tơ lụa trên biển mới, cũng là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường”, ông Coburg van Staden, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi khẳng định. 

Theo ông Coburg van Staden, “Trung Quốc có một mối quan hệ ngày càng phức tạp với châu Phi” khi họ đã đầu tư rộng rãi ở nhiều quốc gia thuộc châu lục này. Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi tăng từ khoảng 40 tỷ USD năm 2012 lên 90 tỷ USD trong năm 2016.  

Thực tế, quân đội Trung Quốc đã có được một số kinh nghiệm trong các khu vực xung đột châu Phi. Trong cuộc nội chiến Libya vào tháng 2-2011, quốc gia này đã lần đầu tiên cử tàu chiến đến bờ biển Libya - một quốc gia châu Phi để giám sát việc di tản 35.000 người Trung Quốc. “Từ thời điểm đó, người Trung Quốc ngày càng nhận thức được sự phức tạp của hòa bình và an ninh ở châu Phi”, chuyên gia Coburg van Staden phân tích.   

Trung Quốc bắt đầu tham gia ngày càng nhiều trong lĩnh vực này, ví dụ cấp hỗ trợ tài chính cho lực lượng giữ gìn hòa bình thuộc Liên minh châu Phi (AU). Trung Quốc cũng muốn tận dụng tối đa sự tham gia của mình trong các sứ mệnh bảo vệ hòa bình của Liên hợp quốc ở châu Phi, với sự hiện diện của khoảng 2.400 lính “mũ nồi xanh” của Trung Quốc ở châu Phi.

Xuất khẩu vũ khí và xây dựng căn cứ quân sự

 Bên cạnh đó, trong thập kỷ qua, xuất khẩu vũ khí đã trở thành một phần không thể thiếu trong hợp tác an ninh của Trung Quốc với châu Phi. Xuất khẩu thiết bị quân sự của Trung Quốc sang châu lục này trong giai đoạn 5 năm từ 2013-2017 đã tăng 55% so với 5 năm trước đó, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Thị phần xuất khẩu vũ khí của Bắc Kinh sang các nước châu Phi cận Sahara tăng từ 16-27% trong giai đoạn này.

Nhìn chung, châu Phi đóng một vai trò tương đối nhỏ trong thị trường nhập khẩu vũ khí toàn cầu, chỉ chiếm 7,2% trong giai đoạn 2013-2017. Nhưng so với 2 đối thủ cạnh tranh hàng đầu về xuất khẩu vũ khí sang châu Phi là Mỹ và Nga, Trung Quốc được coi là nhà cung cấp các hệ thống vũ khí hiệu quả về chi phí, chẳng hạn như máy bay huấn luyện hỗ trợ chiến đấu K-8 chi phối thị trường máy bay kiểu này ở châu Phi. Giáo sư Jerome Pellistrandi, thuộc trường Đại học Clermont-Ferrand và biên tập viên Tạp chí Défense Nationale cho biết, một số Chính phủ châu Phi cảm thấy dễ dàng mua máy bay và các hệ thống vũ khí khác từ Trung Quốc hơn là từ các nhà sản xuất châu Âu.

Tuy nhiên, các chỉ trích về việc bán vũ khí của Trung Quốc cho châu Phi tăng lên sau các báo cáo cho thấy những vũ khí này đã được sử dụng trong các cuộc xung đột ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Bờ Biển Ngà, Sudan và Somalia. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS có trụ sở tại Washington, trong năm 2014, Tập đoàn công nghiệp miền Bắc Trung Quốc đã cung cấp 100 hệ thống tên lửa, hơn 9.000 súng trường tự động và 24 triệu dây đạn cho Chính phủ Nam Sudan, vốn đang bị quốc tế chỉ trích vì vi phạm nhân quyền.

Tháng 8-2017, Trung Quốc đã mở căn cứ quân sự tại hải ngoại đầu tiên ở Djibouti, nằm trên Vịnh Aden gần Biển Đỏ, mặc dù truyền thông nước này đều thận trọng gọi là “căn cứ hỗ trợ” chứ không coi đó là căn cứ quân sự. Gần đây, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo Trung Quốc sẽ xây dựng một bến tàu khác tại cơ sở của họ ở Djibouti. Với chiều dài 450 mét, bến tàu này có thể chứa các tàu khu trục và tàu tiếp tế của Trung Quốc.

Đáng chú ý, quốc gia nhỏ bé Djibouti cũng có một căn cứ quân sự Mỹ, Camp Lemonnier, với 4.000 binh sĩ và các đơn vị của Lực lượng Đặc nhiệm chống khủng bố. Pháp, Italia và Nhật Bản cũng có cơ sở ở Djibouti. Hồi tháng 5-2018, Lầu Năm góc cáo buộc người Trung Quốc chiếu laser vào máy bay đang hạ cánh tại căn cứ quân sự Mỹ nhưng Bắc Kinh phủ nhận những cáo buộc này.