Lý do khiến Thái Lan sẵn sàng buông bỏ AFF Cup 2020

ANTD.VN - Trong khi các nền bóng đá khu vực "đốt tiền" để được vô địch AFF Cup hay SEA Games thì bóng đá Thái Lan chấp nhận hi sinh thành tích các giải "ao làng" này để ưu tiên giải vô địch quốc gia, vốn vừa mang về cho họ bản hợp đồng trị giá 9.500 tỷ đồng.

Dù AFF Cup 2020 còn hơn 7 tháng nữa mới diễn ra, song ngay thời điểm này, LĐBĐ Thái Lan (FAT) đã khẳng định không cử đội tuyển quốc gia tham dự (thay vào đó là đội dự bị hoặc U23).

Có nhiều cách lý giải cho quyết định này. Thứ nhất, Thái Lan đã quá dư thừa danh hiệu với 5 lần vô địch AFF Cup và không còn mặn mà như các nền bóng đá khác trong khu vực. Từ 10 năm trở lại đây, bóng đá nước này đã nhắm tới mục tiêu dự World Cup.

Thái Lan hiện ưu tiên giải VĐQG hơn là thành tích của ĐTQG tại các giải "ao làng"

Thứ hai, FAT vừa thực hiện quyết định mang tính lịch sử khi chuyển khung thời gian tổ chức giải VĐQG từ tháng 2 tới tháng 10 hàng năm sang từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau, học theo các giải bóng đá châu Âu.

Với quyết định này, Thai-League chấp nhận đá song song với AFF Cup diễn ra cuối các năm chẵn (cũng như SEA Games vào năm lẻ). Và cũng bởi vậy, sức mạnh ĐT Thái Lan tại hai giải đấu lớn nhất Đông Nam Á sẽ giảm sút nghiêm trọng khi các CLB trong nước có quyền không nhả quân cho đội tuyển - điều mà FIFA cho phép.

Vì sao FAT biết mà vẫn chấp nhận hi sinh thành tích ĐTQG ở AFF Cup và SEA Games?

Quyền Tổng thư ký FAT - Phatit Suphaphong tiết lộ, Thai-League hiện mới là mối quan tâm hàng đầu của bóng đá Thái Lan, chứ không phải chuyện khi nào tập trung đội tuyển, hay cử đội tuyển nào dự AFF Cup 2020.

FAT chuyển lịch thi đấu giải VĐQG để giúp các CLB trong nước và cầu thủ Thái Lan có cơ hội tiếp cận thị trường chuyển nhượng châu Âu, vốn sẽ hoạt động cùng thời điểm với thị trường chuyển nhượng Thai-League.

Quan trọng hơn, khung thời gian mới giúp giải VĐQG nước này tránh mùa mưa nhiệt đới, từ đó tạo thuận lợi cho công tác phát hành vé, truyền hình, nâng cao chất lượng các trận đấu... Điều này đặc biệt được chú trọng trong bối cảnh FAT vừa bán thành công gói bản quyền truyền hình giai đoạn 2020-2028 với giá 400 triệu USD (khoảng 9.500 tỷ đồng) - con số cao nhất mà một giải VĐQG của Đông Nam Á có được.

Khi mà chức vô địch AFF Cup hay SEA Games không còn là mục tiêu số 1, không còn là động lực sinh lợi nhuận, thì dễ hiểu việc FAT dồn mọi quan tâm đến việc nâng chất, tăng độ hấp dẫn của Thai-League để biến giải đấu thành "con gà đẻ trứng vàng". Những khoản tiền thu về giải đấu sẽ được đầu tư ngược trở lại cho công tác đào tạo trẻ, các đội tuyển quốc gia... phục vụ tham vọng World Cup.

Tất nhiên, FAT chỉ chấp nhận hi sinh thành tích ở các giải đấu khu vực, còn với vòng loại World Cup, bóng đá Thái Lan sẽ dồn toàn lực để thoả tham vọng có vé dự vòng chung kết.