Luyện khả năng kiên nhẫn

ANTD.VN - Cậu bé Leonardo có người cha làm quan vẽ trong triều đình thời phục hưng và ông muốn con trai mình cũng theo nghề nghiệp của mình. Vì thế, ngay từ nhỏ Leonardo đã được cha dạy cầm cọ và quen thuộc với các bảng màu, toan, giấy… Đến năm 14 tuổi, Leonardo được cha gửi đến một trung tâm để theo học lớp mỹ thuật của họa sỹ nổi tiếng Verrocchino.

Họa sỹ Verrocchino là một thầy giáo rất nghiêm khắc. Ngày đầu tiên Leonardo tới lớp, họa sỹ đặt một quả trứng trước mặt cậu và nghiêm mặt bảo: “Vẽ là một nghề đòi hỏi sự công phu, cậu hãy bắt đầu bằng việc vẽ quả trứng này”.

Vì đã được cha dạy vẽ từ nhỏ nên việc vẽ một quả trứng với Leonardo chẳng có gì là khó khăn, cậu đã ngồi vẽ quả trứng một cách rất tỉ mỉ và chuẩn xác. Kết thúc buổi học đầu tiên, Leonardo hoàn thành bài vẽ thầy giao, họa sỹ Verrocchino xem xong không có ý kiến gì.

Ngày hôm sau, Leonardo háo hức được giao vẽ bài mới, thế nhưng bài tập mà thầy Verrocchino yêu cầu vẫn là vẽ quả trứng. Rồi ngày thứ ba, thứ tư, cả tuần, cả tháng sau đó, bài tập cho Leonardo vẫn chỉ là vẽ quả trứng. Leonardo không dám thắc mắc, vẫn ngày ngày cần mẫn vẽ quả trứng, ngày càng cố gắng tỉ mỉ và trau chuốt hơn.

Cuối cùng, bài tập quả trứng kéo dài đến hai năm sau đó, cho đến một ngày Leonardo không còn đủ kiên nhẫn nữa, cậu đến gặp thầy và hỏi: “Thưa thầy, thầy giao cho em bài tập vẽ quả trứng đã hai năm nay rồi, em muốn hỏi đến khi nào em được chuyển sang vẽ thứ khác ạ?”.

Nhìn vẻ mặt chán nản của Leonardo, họa sỹ Verrocchino ôn tồn giải thích: “Cậu đừng nghĩ rằng vẽ một quả trứng là đơn giản. Trong 1.000 quả trứng, cậu có thể tìm ra được 2 quả giống nhau y hệt không? Mặt khác, cho dù là vẽ cùng một quả trứng đi chăng nữa, nếu chúng ta nhìn nó từ các góc độ khác nhau, sẽ có những hình ảnh khác nhau."

"Trong hai năm qua, ta muốn cậu chỉ vẽ quả trứng là ta muốn cậu rèn luyện được khả năng quan sát của mình, đồng thời cũng là luyện được khả năng khéo léo của đôi tay trong việc thể hiện những gì mình quan sát được. Khi cậu đã nhuần nhuyễn mắt quan sát cùng với sự khéo léo của đôi tay, cậu có thể vẽ được mọi thứ cậu muốn… Đó là lý do tại sao ta cho cậu vẽ một bài tập trong thời gian lâu như vậy”.

Nghe thầy giảng giải, Leonerdo như bừng tỉnh, cậu kiên nhẫn, mỗi ngày tập trung chăm chỉ luyện tập để tăng khả năng quan sát và dẻo dai của đôi tay, không hề nản chí và cậu đã không phụ công của người đã dìu dắt mình. Leonardo đã trở thành họa sỹ nổi tiếng khắp thế giới, ông chính là danh họa Leonardo de Vinci với những bức tranh để đời: “Nụ cười của nàng Mona Lisa”, “Bữa ăn tối cuối cùng”…

Mãi sau này, ông vẫn nói với các học trò của mình rằng: Bất cứ theo đuổi một công việc gì, tính kiên nhẫn luôn phải đặt lên hàng đầu, nếu không luyện được tính kiên nhẫn, mọi chuyện sẽ không đi tới đâu cả.