Luyện cấp tốc đến sát ngày thi: Lợi bất cập hại

(ANTĐ) - Các lớp luyện thi cấp tốc đa phần đánh vào tâm lý học trò, đứng trước một kỳ thi quan trọng, nếu không học thêm, cả học sinh lẫn các bậc phụ huynh đều sẽ không yên tâm. Nhưng chỉ nghe, chép và học thuộc trong một khoảng thời gian ngắn như thế, liệu các em có thể tiếp nhận được bao nhiêu!?
Sát ngày thi, các “lò” luyện thi vẫn ra sức hoạt động với công suất lớn. Không biết có phải vì tâm lý “cầu may” hay không mà vẫn có những thí sinh tin vào những lời quảng cáo, đảm bảo hiệu quả luyện thi dù chỉ trong… 16 tiếng.

Thí sinh phải ôn thi ở ngoài hành lang vì lớp quá tải

Mỗi “lò” một vẻ

Ngõ 130 Xuân Thủy chỉ dài gần 70m nhưng có đến ba trung tâm luyện thi cấp tốc. Ngay từ đầu ngõ, người ta đã thấy những tấm bảng quảng cáo dán đầy lịch học kèm theo tên của một loạt các thầy cô cùng lời đảm bảo: “Đội ngũ giáo viên giỏi, kinh nghiệm lâu năm, nhiệt tình trong giảng dạy” hay “lớp hiệu quả ít học sinh”. Các “lò” luyện thi Chùa Bộc, ĐH Y, Cửa Bắc vẫn những địa chỉ hấp dẫn nhiều sĩ tử. Buổi luyện thi môn Hình học tại Trung tâm Thăng Long (số 4 - 6 Chùa Bộc) sáng 17-6 có rất đông học sinh. Cả hội trường hơn 500 chỗ ngồi gần như không còn một chỗ trống. Để thu hút được nhiều sĩ tử đến luyện thi, ngoài việc có hội trường rộng, trang bị điều hòa, loa đài đầy đủ, các trung tâm này còn luôn mời được những giảng viên có tiếng. Nam Hải (THPT Phạm Hồng Thái) cho biết: “Mỗi buổi học Anh, Văn hay Hình học, em phải đến trước tầm 20 phút để ngồi gần bảng, gần loa, dễ tiếp thu bài giảng. Hôm nào chẳng may đến muộn, ngồi cuối lớp, chỗ nhiều bạn nói chuyện thì rất khó theo dõi thầy cô giảng bài”. Tại “lò” luyện thi của thầy Thành, cô Thời (quận Cầu Giấy, Hà Nội), thời gian học buổi chiều bắt đầu từ 13h30 nhưng trước đó hơn 1 tiếng đồng hồ, đã có rất nhiều học sinh đến “xí chỗ”, vừa ăn trưa, vừa ôn bài.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan quản lý, số lượng học sinh luyện thi cấp tốc năm nay có chiều hướng đi xuống. Có đến hai trong ba trung tâm ở khu vực Xuân Thủy đóng cửa vì quá ít khách. Các lò cũng ngán ngẩm đến nỗi mặc kệ cho các biển quảng cáo của mình bụi bẩn, bong tróc. Bà Ngân bán thẻ đăng ký học của một trung tâm thuộc khu vực này than rằng: “Ế ẩm quá! Mọi năm, đến giờ này là học sinh đã phải đăng ký ôn thi nhiều lắm rồi chứ. Cứ thế này thì lấy tiền đâu ra trả cho các thầy đứng lớp”.

Có nên ôn thi cấp tốc?

Chiến Thắng (Quảng Ninh) đang luyện thi cấp tốc được hơn một tuần. Theo Thắng đánh giá, những học sinh ôn cấp tốc ở các “lò” này được chia làm ba kiểu. Kiểu thứ nhất là những học sinh đã nắm kiến thức trong năm học. Họ đi luyện thi chỉ là để hệ thống lại các kiến thức đã học thôi. Kiểu thứ hai là các bạn học sinh ở các tỉnh khác lên Hà Nội sớm. Một số bạn cảm thấy thiếu tự tin nên đăng ký theo học để xem còn những kiến thức gì mà mình chưa được học. Còn kiểu cuối cùng là những học sinh trong năm lêu lổng không chịu học. Những học sinh như thế này tìm đến các lớp luyện thi cấp tốc như là một chiếc phao cuối cùng và hi vọng học xong mình sẽ đủ sức đi thi đại học. Tuy nhiên, vì thời gian học của mỗi buổi cấp tốc là khá dài nên các bạn thường chán và lại ngồi nói chuyện với nhau.

Mỗi khóa học cấp tốc chỉ kéo dài 4 buổi, mỗi buổi 4 tiếng. Vì thời gian rất ngắn nên các em học sinh chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” chứ không thể đi sâu tìm hiểu các vấn đề cần thiết. Các trung tâm mở lớp luyện thi cấp tốc đa phần đánh vào tâm lý học trò, đứng trước một kỳ thi quan trọng, nếu không học thêm, cả học sinh lẫn các bậc phụ huynh đều sẽ không yên tâm. Nhưng chỉ nghe, chép và học thuộc trong một khoảng thời gian ngắn như thế, liệu có bao nhiêu kiến thức mà các em có thể tiếp nhận!?. Khi được hỏi về chất lượng sau hai buổi học cấp tốc, Chiến Thắng cho biết: “Em thấy thầy dạy toàn những điều mà em học hết rồi. Em định thôi không học nữa mà ở nhà ôn lại cho chắc”.

Theo cô Nguyễn Như Hương (Tổ trưởng bộ môn Văn trường THPT Phạm Hồng Thái): “Theo tôi được biết, có nhiều thầy cô luyện thi là giảng viên của các trường đại học mà lại không hề nắm vững sách giáo khoa. Khi ôn cho học sinh, họ đưa cả những thứ đã bị lược đi trong sách cũ hoặc trích dẫn những câu của nhiều người nổi tiếng vào bài. Học sinh không hiểu cứ tưởng thế là hay. Tôi chấm thi thấy rất nhiều em khi phân tích tác phẩm mắc lỗi không bám sát vào kiến thức cơ bản do sa đà, lan man”.