Lưu ý khi tẩy tế bào chết

ANTĐ - Do tuổi tác và sự lão hóa mà các tế bào chết làm cho da chúng ta bị xỉn màu, bong tróc. Tẩy da chết sẽ giúp da loại bỏ những tế bào chết và cả những chất cặn bã lẫn độc tố trên bề mặt da, đem lại cho làn da vẻ sáng mịn, tươi trẻ và mềm mại.

Ngoài ra, quá trình này còn giúp đẩy nhanh sự tái tạo da và làm sạch lỗ chân lông, giúp việc hấp thụ mỹ phẩm dưỡng da tốt hơn. Tuy nhiên, tế bào chết ở mỗi vùng da trên cơ thể là khác nhau vì vậy việc tẩy tế bào chết ở mỗi vùng da cũng khác nhau.

Ảnh Internet

Dụng cụ để tẩy da chết: một bàn chải, khăn bông và găng tay.

Tẩy tế bào chết

trên cơ thể

- Có thể dùng đường hoặc muối xoa lên cơ thể, sau đó massage toàn thân.

- Rửa sạch bằng nước ấm, sau đó rửa bằng sữa tắm có chứa axit salicylic.

- Bôi kem dưỡng sau khi tẩy để làm dịu da và cung cấp độ ẩm, dưỡng chất.

- Da mới tẩy tế bào chết cần được bảo vệ cẩn thận khi ra ngoài, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

- Không nên lạm dụng việc tẩy da chết. Việc tẩy quá nhiều sẽ làm tổn thương lớp bảo vệ trên da, khiến da bị mỏng đi, dễ kích ứng, dị ứng hơn và khi tiếp xúc với ánh nắng hay bị thâm nám.

Tẩy tế bào chết cho mặt

- Không dùng kem của cơ thể cho vùng mặt và ngược lại bởi loại dành cho cơ thể thường quá mạnh đối với mặt.

- Với các sản phẩm tẩy da chết ở mặt cần kèm theo  massage, nên thao tác nhẹ nhàng. Việc kỳ cọ quá mạnh dễ làm da tổn thương và làm nhão các cơ. Với những làn da nhạy cảm, nên mua sản phẩm tẩy da chết dành riêng cho loại da này và không dùng quá thường xuyên.

- Thời gian tốt nhất để tẩy tế bào chết là vào buổi sáng

- Nên tẩy tế bào chết từ 1-2 lần/tuần.

- Khi rửa mặt nên rửa sạch bằng nước ấm, tuyệt đối không rửa bằng nước nóng.

Tẩy tế bào chết ở vùng da đặc biệt

Khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân, cổ chân là những vùng da dễ bị chai sần hoặc dày lên, bong tróc bởi các tế bào chết. Với vùng da cứng, sưng, nên chọn sản phẩm có chứa axit  lactic. Khi tẩy, nên chú ý chà xát ở những vùng da khô và bong tróc nhiều.