Lưu ý khi chăm sóc răng miệng ở người cao tuổi

ANTD.VN - Để có hàm răng khỏe mạnh, đơn giản chỉ với 2 phút đánh răng/lần, 2 lần một ngày và khám nha sĩ định kỳ. Nhưng những bước đơn giản này lại trở nên khó khăn ở những người cao tuổi. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) đây chính là nguyên nhân khiến bệnh sâu răng, nướu răng và ung thư miệng ở người cao tuổi phổ biến hơn.

Theo các bác sỹ nhà khoa, chúng ta thường nghĩ rằng sâu răng là bệnh của trẻ em, nhưng thực tế người lớn lại bị sâu răng nhiều hơn trẻ em. Một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy tỷ lệ ung thư miệng cao nhất sau 60 tuổi và gần 40% người cao tuổi  không đi khám nha khoa định kỳ. 

Răng miệng liên quan đến bệnh tim 

Các bác sĩ đã tìm ra mối liên hệ giữa bệnh nha chu và bệnh tim. Một số nghiên cứu mới nhất cho thấy bệnh nướu răng thúc đẩy các vấn đề về tim. Nguyên nhân bởi bệnh nướu dẫn đến tình trạng viêm cấp thấp dai dẳng, có thể gây ra sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Nguy cơ đột quỵ, bệnh Alzheimer và viêm khớp cũng có thể tăng do bệnh răng miệng.

Dễ bị khô miệng

Người cao tuổi phải đối mặt với hiện tượng giảm chức năng của tuyến nước bọt. Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu hay chống động kinh. Suy giảm nước bọt khiến người già không chỉ gặp khó khăn trong việc nhai nuốt mà còn dễ đối diện với sâu răng, nướu răng. 

Nước bọt là một phần thiết yếu của quá trình “tái khoáng hóa” giúp răng khỏe mạnh. Nhưng rất nhiều loại thuốc gây ra khô miệng, có thể thúc đẩy sâu răng và các vấn đề sức khoẻ răng miệng khác. Vì vậy, để tránh khô miệng, người cao tuổi nên uống nhiều nước.

Vị giác giảm

Khi về già, các cơ quan khứu giác, vị giác không còn nhạy cảm; mắt nhìn mờ, mũi ngửi kém, cảm giác ở lưỡi cũng không còn nên các vị, mùi thức ăn không kích ứng vào các vị giác này, khiến người cao tuổi không cảm nhận được sự ngon của món ăn như trước. Hơn nữa, các chân răng bắt đầu yếu, cơ xương hàm teo nhão làm cho sức nhai bị giảm đi.

Lão hóa răng

Quá trình lão hóa gây những biến đổi ở răng gồm: Mòn mặt nhai, tủy răng bị xơ teo, giảm mật độ tế bào, tạo ngà thứ cấp, ngà dần bị mất nước, răng giòn dễ mẻ, dễ bị gãy, tụt nướu, giảm tiết nước bọt, chức năng nhai giảm sút. Ở người cao tuổi, hao mòn răng có nhiều nguyên nhân, có thể là do tuổi tác, hay do những nguyên nhân khác như chải răng không đúng cách, chải răng với lực quá mạnh, ăn thức ăn quá cứng… 

Loãng xương, viêm khớp

Loãng xương, viêm khớp, và các vấn đề về sức khoẻ liên quan đến vận động cơ hoặc di chuyển có thể khiến bạn làm những việc đơn giản như đánh răng cũng là một thách thức cho người cao niên. Bàn chải đánh răng điện có thể là một sự trợ giúp đắc lực. 

Đánh răng quan trọng hơn súc miệng

Đánh răng quan trọng hơn bất kỳ loại nước súc miệng nào. Bạn không thể thay thế đánh răng bằng súc miệng trong 4 phút để giữ cho răng khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bị sâu răng, bạn nên kết hợp sử dụng nước súc miệng chứa florua và kem đánh răng. 

Thay đổi chế độ ăn uống

Cả canxi và vitamin D là những chất dinh dưỡng mà nhiều người lớn tuổi bị thiếu. Sự thiếu hụt của một trong hai dưỡng chất trên có thể gây chứng loãng xương, do đó có thể làm tăng nguy cơ bị mất răng. Bên cạnh việc bổ sung cả canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống, người cao tuổi cần lưu ý giảm lượng đường. Ăn quá nhiều đường với thói quen đánh răng kém có thể nhanh chóng dẫn đến các bệnh về răng.

Đến bác sỹ nha khoa theo định kỳ

Bạn nên đến nha sĩ định kỳ 6 tháng một lần để phòng ngừa các vấn đề sức khoẻ răng miệng nghiêm trọng tiềm ẩn. Đặc biệt, khi đeo răng giả, cần thường xuyên đến nha sỹ để kiểm tra phòng tránh bệnh nướu răng. Ngoài ra, nha sĩ sẽ sớm phát hiện bệnh ung thư miệng. Ung thư miệng khá hiếm gặp, nhưng tỷ lệ mắc cao nhất ở những người 60 tuổi.