Lương y Phùng Tuấn Giang: Tôi chưa bao giờ khẳng định đã chữa khỏi bệnh ung thư

ANTĐ - Báo ANTĐ số ra ngày 6-5 đăng bài “Lương y chữa 5.000 ca bệnh ung thư: Dặn bệnh nhân đeo “pháp bảo”, kiêng đi đám ma”. Để có thông tin nhiều chiều về vấn đề này, sáng 6-5, phóng viên ANTĐ đã có cuộc trao đổi với Lương y Phùng Tuấn Giang - người phụ trách phòng khám Đông y Thọ Xuân Đường (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

- Trên một số báo mạng đã đăng tải các bài viết, trong đó khẳng định ông từng tuyên bố đã chữa khỏi 5.000 ca bệnh ung thư. Ông có thể giải thích thực hư điều này ra sao?

- Lương y Phùng Tuấn Giang: Tôi hành nghề khám chữa bệnh Đông y được khoảng 20 năm. Bản thân tôi đã được Sở Y tế Hà Nội cấp Giấy phép hành nghề Lương y đa khoa, nghĩa là được phép khám, chữa nhiều loại bệnh liên quan đến hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, xương khớp… Đối với các bệnh nhân ung thư, tôi khám, kê đơn thuốc cho họ nhằm mục đích nâng cao thể trạng, kéo dài thời gian sống. Bệnh nhân bị ung thư đến khám ở Thọ Xuân Đường mắc nhiều loại ung thư khác nhau và ở các giai đoạn bệnh khác nhau. Tôi chỉ sử dụng những kiến thức về nam y, nam dược để hỗ trợ điều trị ung thư chứ chưa bao giờ khẳng định bản thân đã chữa khỏi bệnh ung thư. 

Lương y Phùng Tuấn Giang: Tôi chưa bao giờ khẳng định đã chữa khỏi bệnh ung thư ảnh 1

Lương y Phùng Tuấn Giang: Tôi chưa bao giờ khẳng định đã chữa khỏi bệnh ung thư ảnh 2

Bên ngoài và bên trong phòng khám Thọ Xuân Đường sáng 6-5.

- Như vậy con số 5.000 bệnh nhân ung thư đã được ông chữa khỏi bệnh là không chính xác? 

- Đúng vậy! Đó là số bệnh nhân tôi đã khám, chữa bệnh với nhiều loại khác nhau trong đó có ung thư. Những thông tin đăng tải về các trường hợp đã được chữa khỏi bệnh là do phóng viên tự tiếp xúc, tìm hiểu chứ tôi không cung cấp. Cũng có thể do cách chia sẻ thông tin của tôi chưa đầy đủ. Tôi xin thừa nhận thiếu sót và thay mặt nhà thuốc xin lỗi bệnh nhân, độc giả. Qua Báo ANTĐ, tôi xin đính chính thông tin và một lần nữa khẳng định lại rằng: Tôi chưa bao giờ nói đã chữa khỏi 5.000 ca bệnh ung thư mà chỉ thực hiện các biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh bằng nam y, nam dược. 

- Khi nghe tin về khả năng chữa khỏi bệnh ung thư của Thọ Xuân Đường, nhiều bệnh nhân đã tìm đến với tâm lý lạc quan và sự kỳ vọng rất cao. Ông có giải thích rõ với họ về vấn đề này?

- Bệnh nhân khi có bệnh thường rất hoang mang, luôn kỳ vọng vào những phương pháp chữa trị mới. Để tránh hiểu lầm, ngay khi tiếp xúc với bệnh nhân, tôi luôn khẳng định “mọi biện pháp chỉ mang tính hỗ trợ, duy trì”, đồng thời phân tích để họ hiểu rõ bệnh mình đang mắc, có chế độ ăn uống phù hợp để thay đổi khả năng miễn dịch, đào thải của cơ thể. Từ đó, mỗi bệnh nhân có nhìn nhận toàn diện về căn bệnh, điều chỉnh việc ăn uống, tập luyện và có ý chí chiến thắng bệnh tật…

Lương y Phùng Tuấn Giang: Tôi chưa bao giờ khẳng định đã chữa khỏi bệnh ung thư ảnh 3

Phóng viên ANTĐ làm việc với lương y Phùng Tuấn Giang  - Chủ phòng khám Đông y Thọ Xuân Đường

- Theo ông, dạng ung thư nào và ở giai đoạn nào có thể hỗ trợ điều trị được?

- Trong trường hợp bệnh ung thư được phát hiện sớm thì có thể kết hợp Nam y với Tây y nhằm chăm sóc sức khỏe bệnh nhân được tốt hơn, kéo dài thời gian sống. Còn ở giai đoạn đã phẫu thuật cắt bỏ khối u thì cần tác động để hạn chế di căn, tăng cường sức khỏe, thể lực cho bệnh nhân. Với người bệnh ở giai đoạn cuối, phải tiến hành các biện pháp giảm đau kết hợp với tư vấn về chế độ ăn uống dinh dưỡng để người bệnh kiểm soát bệnh được tốt hơn.

- Ông có thể nói rõ hơn về giá tiền thuốc trị bệnh. “Pháp bảo” được phát theo các đơn thuốc có tác dụng gì trong điều trị bệnh?

- Loại thuốc chính trong các đơn thuốc là thuốc nam. Trung bình mỗi tháng, 1 bệnh nhân uống 10 thang. Mỗi thang giá 150.000 đồng. Ngoài ra còn có một vài loại thuốc khác nhưng tôi không khuyến khích sử dụng vì làm tăng chi phí điều trị. Còn “pháp bảo” được coi như một bài thuốc miễn phí, là túi hương thơm trị liệu, thường tỏa ra mùi thơm, phòng tránh cảm cúm, ngạt mũi nhức đầu, tăng cường sức khỏe, khả năng miễn dịch cho bệnh nhân.

- Có bệnh nhân nói rằng ông có thể kê đơn thuốc dù chỉ tiếp xúc qua… điện thoại?

- Tôi căn cứ vào kết quả cận lâm sàng của bệnh nhân mang tới (kết quả xét nghiệm, chiếu chụp, sinh thiết…) xem họ mắc bệnh gì, ở giai đoạn nào, vị trí nào… Còn việc kê đơn thuốc khi bệnh nhân không có mặt vẫn có thể làm được. Điều này thường được thực hiện với những bệnh nhân nặng, không trực tiếp đến khám. Họ có thể vào trang web của phòng khám để trắc nghiệm triệu chứng bệnh, đồng thời gửi toàn bộ hồ sơ cận lâm sàng tới phòng khám, gọi điện đến phòng khám nói thêm về tình trạng bệnh, từ đó, họ sẽ được kê đơn, mua thuốc.