- Điểm danh những nhóm lao động có nguy cơ thất nghiệp cao
- Thu nhập bình quân của lao động nam gần chạm mốc 10 triệu đồng/tháng
![]() |
Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó |
Tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "Chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách mới liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy", nhiều độc giả quan tâm đến mức lương tối thiểu vùng sau khi sắp xếp đơn vị hành chính được quy định như thế nào?
Trao đổi về nội dung này, luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, cho hay, mức lương tối thiểu vùng hiện nay căn cứ vào các quận, huyện để tính toán đưa ra mức lương tối thiểu phù hợp.
Sau ngày 30/6/2025, không còn cấp quận, huyện nhưng vẫn căn cứ vào điều kiện kinh tế của khu vực đó, để đưa ra mức lương phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân ở khu vực đó.
Theo kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác, Bộ Nội vụ cũng sẽ tập trung chuẩn bị nội dung về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu, đặc biệt liên quan đến phân vùng lương tối thiểu để phù hợp với thay đổi về địa bàn hành chính khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, bỏ cấp huyện và tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã. Yêu cầu đặt ra là chính sách tiền lương cần được tính toán để đảm bảo sự liên thông khi thực hiện.
Hiện nay, Nghị định 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiền lương tổi thiểu từ ngày 1/7/2024 áp dụng theo 4 vùng: Vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng; vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng; vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.
Nguyên tắc phân vùng lương tối thiểu vùng là việc phân chia các địa bàn thành các vùng khác nhau, dựa trên những tiêu chí cụ thể để áp dụng mức lương tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, mức sống và chi phí sinh hoạt tại từng địa phương.
Theo quy định tại Nghị định 74/2024/NĐ-CP, lương tối thiểu áp dụng theo 4 vùng lương, gắn liền với đơn vị hành chính cấp huyện.
Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó. Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau, thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau, thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính, thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi, hoặc chia đơn vị hành chính cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn, hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau, thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn, hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV, thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại..
Như vậy, theo quy định nêu trên, tùy trường hợp cụ thể mà người lao động sẽ được áp dụng mức lương tối thiểu khác nhau khi sắp xếp đơn vị hành chính.