Lương tăng không khiến sản xuất gặp khó khăn

ANTĐ - Đó là khẳng định của lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với Bộ Công Thương ngày 3-10. Theo ông Lê Tiến Trường - Phó Tổng giám đốc thường trực Vinatex, mức lương công nhân trong ngành may đã vượt lương tối thiểu từ rất lâu.

Nhiều công nhân may có lương cao hơn lương tối thiểu mới áp dụng (Ảnh minh họa)

Giữ người lao động bằng lương cao

Trái ngược với ý kiến cho rằng, đợt tăng lương cơ bản của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu tháng 10 này sẽ làm các doanh nghiệp dệt may thêm khó khăn, ông Lê Tiến Trường cho biết: “Các doanh nghiệp thuộc Vinatex không gặp khó khăn do đợt tăng lương này”.

Là một trong những ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động, những năm trước, ngành dệt may luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, nhất là sau các đợt nghỉ lễ, tết dài ngày. Tuy nhiên, năm 2011, số lượng lao động trong ngành dệt may dường như ít biến động. “Chỉ có người hết tuổi lao động nghỉ hưu ra khỏi ngành và chúng tôi có ngay người mới thay thế, không có công nhân bỏ việc”- ông Trường phấn khởi nói.

Để giữ chân người lao động, theo ông Trường, các doanh nghiệp thuộc tập đoàn đã trả mức lương khá cao.

Cụ thể, tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, công nhân may trong doanh nghiệp của Vinatex được trả lương trên 5 triệu đồng/tháng. Tại Hưng Yên, Đà Nẵng, Huế, công nhân may có thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. “Mức lương này cao hơn so với lương cơ bản của Nhà nước quy định nên đợt tăng lương này không ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp trong tập đoàn. Nhưng đối với nhiều doanh nghiệp FDI, việc tăng lương tối thiểu gần đây có thể bị ảnh hưởng”. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp FDI luôn bám sát mức lương tối thiểu của Nhà nước quy định cộng thêm 7% trình độ nghề được đào tạo nên đợt tăng lương này sẽ có tác động. Trong bối cảnh lãi suất cho vay ở mức cao, giá nguyên liệu sản xuất tăng thì tăng lương sẽ tăng thêm áp lực cho nhiều doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Đô, Tổng giám đốc DHA group cho hay, việc áp dụng mức lương mới cho công nhân từ ngày 1-10 không gây ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, khoản tiền doanh nghiệp phải chi trả để đóng bảo hiểm cho người lao động sẽ tăng gấp đôi. Trước đây, tiền bảo hiểm cho 1.600 lao động của công ty là 6 tỷ đồng/tháng, nay số tiền phải nộp sẽ là 12 tỷ đồng/tháng và doanh nghiệp phải trích từ lợi nhuận ra.


Xuất khẩu có tín hiệu khó khăn

Kim ngạch hàng dệt may xuất khẩu đang tăng chậm lại. Nếu như tháng 8, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 1,6 tỷ USD thì bước sang tháng 9, con số này chỉ ước đạt 1,4 tỷ USD, thậm chí thực hiện chỉ đạt 1,3 tỷ USD. Đó là tín hiệu đầu tiên cho thấy việc xuất khẩu dự báo thời gian tới sẽ khó khăn hơn. Lãnh đạo Vinatex cho hay, những mặt hàng xuất khẩu cao cấp như: veston, hay các sản phẩm độc đáo có kim ngạch xuất khẩu giảm ít; nhưng những mặt hàng thông dụng như: áo sơ mi, quần âu giảm rất nhiều. Ví như với thị trường Mỹ, trước đây, người tiêu dùng mua 15-17 chiếc áo sơ mi/năm thì nay, những người này chỉ mua từ 12-13 chiếc/năm, giảm rõ rệt.

Bên cạnh áp lực tăng lương cho người lao động thì nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dệt may, doanh nghiệp FDI không có thương hiệu tốt đã thiếu đơn hàng ngay từ tháng 10 và tháng 11 năm nay. Tiến trình đàm phán, thương lượng các đơn hàng cho quý     I-2012 diễn ra rất chậm do nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu sụt giảm. Đơn cử như DHA group, những tháng năm 2011, lượng đơn hàng đã giảm 15-20% so với cùng kỳ năm 2010. Tình trạng này có thể còn tiếp diễn đến năm 2012 khi các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU đối mặt với khó khăn tài chính, người dân cắt giảm chi tiêu. Trong khi đó để duy trì và gia tăng thị phần tại Ấn Độ, Indonesia, nhiều doanh nghiệp dệt may sẽ phải chấp nhận đưa ra mức giá cạnh tranh.

Theo lãnh đạo Vinatex, do những khó khăn trong sản xuất nên trong tháng 8 và tháng 9, 3 doanh nghiệp may mặc đã phải bán lại cho Tổng công ty May Hưng Yên và Vinatex với giá rẻ. Tuy nhiên, mục tiêu kế hoạch đạt được kim ngạch xuất khẩu cả năm nay là 13,2 tỷ USD của toàn ngành vẫn sẽ hoàn thành.