Lương phi công Vietnam Airlines còn bao nhiêu trong bối cảnh dịch Covid-19?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dịch Covid-19 đã và đang khiến ngành hàng không toàn cầu, trong đó có Việt Nam tê liệt. Hãng bay gặp khó khăn về dòng tiền, lương của phi công được xem là niềm mơ ước của người lao động cũng giảm đến 50%. 

Dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng tới ngành hàng không, tất cả các hãng hàng không đều dự báo thua lỗ lớn trong năm 2020. Theo đó, lương của phi công cũng giảm quá nửa so với cùng kỳ năm 2019.

Vietnam Airlines cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hãng này vừa phải quyết định điều chỉnh giảm thu nhập của phi công và tiếp viên.

Theo đó, mức lương phi công chỉ còn 77 triệu đồng/tháng, tương đương giảm 48% so với năm 2019. Thu nhập của tiếp viên và lao động mặt đất giảm lần lượt 52% (13,8 triệu đồng/tháng) và 55,5% (14 triệu đồng/tháng).

Thu nhập của phi công Vietnam Airlines hiện chỉ bằng 50% so với cùng kỳ 2019

Trước đó, từ tháng 4-6/2020, nhân sự đi làm hưởng tiền lương chức danh, cán bộ lãnh đạo từ cấp ban tự nguyện không hưởng lương, cán bộ cấp phòng hưởng lương tối thiểu vùng.

Trong tháng 7/2020, sản lượng nội địa dự kiến hồi phục, Vietnam Airlines xem xét việc trả thêm 10-30% tiền lương hiệu quả cho người lao động.

Ngoài ra, Tổng công ty tiếp tục tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương, làm việc không trọn thời gian để phù hợp với quy mô sản xuất trong thời điểm dịch Covid-19. Dự kiến, kế hoạch sử dụng bình quân trong năm là 4.785 lao động, giảm 26% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, trong thời gian toàn quốc thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội (tháng 4/2020), 50% nhân viên Vietnam Airlines phải ngừng việc, toàn bộ nhân viên giảm lương, cán bộ từ cấp Ban trở lên tự nguyện không nhận lương. Với con số nhân viên toàn hệ thống là 20.000 người, có khoảng hơn 10.000 người phải ngừng việc không lương.

Tính riêng số phi công là 1.200 người, kỹ sư máy bay có 2.500 người, đội ngũ tiếp viên 3.000 người, việc dừng các chuyến bay khiến tỷ lệ phi công, tiếp viên Vietnam Airlines phải ngừng việc lên tới 90%.

Đại diện hãng cho hay, mặc dù ngay từ khi Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, hãng đã áp dụng nhiều giải pháp để mang tính đột phá để cắt giảm chi phí vận hành.

Cụ thể, Tổng công ty đã thực hiện cắt giảm 1/3 nguồn lực lao động mặt đất. Riêng trong quý 2/2020, số lao động giảm tới 56% so với kế hoạch, ngừng sử dụng phi công, tiếp viên nước ngoài và tiếp viên thuê ngoài; kịp thời điều chỉnh sản lượng phù hợp với nhu cầu thị trường.

Với các giải pháp trên, dự kiến trong năm 2020, Vietnam Airlines sẽ cắt giảm được khoảng 5.035 tỷ đồng do chủ động tiết kiệm (trong đó có hơn 1.700 tỷ đồng do cắt giảm chi phí về nhân sự); giảm hơn 24.000 tỷ đồng do cắt giảm sản lượng khai thác (trong đó có hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập người lao động).

Để duy trì tính thanh khoản và dòng tiền, Vietnam Airlines đã đàm phán với các đối tác, nhà cung cấp để giảm giá và giãn tiến độ thanh toán như giãn thuế máy bay hơn 2.300 tỷ đồng, nhiên liệu bay xấp xỉ 1.700 tỷ đồng/tháng, giãn vay gốc lãi 1.940 tỷ đồng.

Mặt khác, Vietnam Airlines chuyển hướng từ vận chuyển khách sang vận chuyển hàng hóa đi quốc tế, bay thuê chuyến chở khách nước ngoài về nước và khách chuyên gia đến Việt Nam; thanh lý máy bay cũ... Trong ngắn hạn, các giải pháp này đã giúp Vietnam Airlines duy trì khả năng thanh toán, giảm mức lỗ.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay, Covid-19 đã khiến hãng “tê liệt”, đã lỗ ròng 15.000 tỷ đồng. Hãng sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ về thanh khoản của Chính phủ với vai trò chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, Vietnam Airlines đề nghị Chính phủ tăng vốn hoặc có giải pháp cho vay, hỗ trợ gói hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng để hãng phục hồi sớm sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đất nước và khu vực.