Diễn viên hài Hiệp Vịt

Lương nghệ sĩ cải lương không bằng lương “Oshin”

ANTĐ - Mùa hài Tết năm nay, người ta thấy trong làng hài xuất hiện một tay diễn viên ăn mặc lố lăng xanh xanh đỏ đỏ,  lúc nào cũng cười toe toe toét toét. Mới nhìn qua tưởng Hiệp Gà, từ hình thức, diện mạo bên ngoài ai cũng bảo kiểu gì cũng có chút “anh em”, xem lối diễn thì cũng thấy na ná lại tưởng có gì liên quan đến nhau. Nhưng xem kỹ thì không hẳn như vậy, thấy hắn cũng có lối diễn riêng, phong cách riêng, có “chất” riêng. Thế nên hắn mới bảo: Gà và vịt thì cũng có cái gần nhau, nhưng mà khác nhau hoàn toàn đấy. Gà là gà mà vịt là vịt chứ. Hắn là cây hài Hiệp Vịt.

Thật ra độ mấy năm gần đây mới thấy cái tên Hiệp Vịt xuất hiện trong làng hài thị trường. Chứ cái tên Nguyễn Tiến Hiệp thì đã thuộc vào hàng diễn viên “có số có má” cũng phải trên hai chục năm rồi. Là con trai của NSƯT Linh Dược - diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam, nên từ khi Nguyễn Tiến Hiệp còn bé hắn đã được theo bố đến nhà hát và đứng sau cánh gà để rồi cũng mê cải lương như bố. Cái thời sân khấu cải lương còn hưng thịnh thì những nghệ sĩ cải lương được mến mộ lắm. Vừa mê tiếng hát cải lương, lại vừa thích được khán giả mến mộ, Nguyễn Tiến Hiệp, sau khi tốt nghiệp trường Nghệ thuật Hà Nội lập tức xin vào đầu quân cho Nhà hát Cải lương Hà Nội. Nhưng với dáng người nhỏ thó, gầy gõ, mặt mũi lại góc cạnh, xương xẩu nên nghệ sĩ Nguyễn Tiến Hiệp lại thường được phân các vai phản diện nghiện ngập (hắn đã khá thành công với vai thằng chồng nghiện ngập đánh vợ trong vở kịch của Bộ Công an), xã hội đen hoặc các vai hề. Hắn bảo mình xấu nên chả được vào vai đào chính, kép chính. Hắn cũng mơ ước được thành vua, thành hoàng tử, nhưng chả được. Thế là cứ mặc nhiên hắn gắn với cái duyên hài cải lương. 

Một lần, đoàn hắn đi biểu diễn ở tỉnh bạn. Hôm đấy Nhà hát diễn toàn các vở hài, khán giả rất đông, mà chả lẽ cả nhà hát lại không có một ngôi sao hài nổi tiếng, một người trong đoàn mới động viên hắn. Có Hiệp Gà, sao lại không có Hiệp Vịt. Thế là hắn bước ra sân khấu giới thiệu với bà con về một “danh hài mới nổi” có tên là Hiệp Vịt. Bà con cổ vũ ầm ầm. Thế rồi dần dà cái tên Hiệp Vịt cũng được bà con mến mộ và trở thành nghệ danh của hắn. Hắn bảo lúc đầu cũng không định lấy cái nghệ danh này vì đã có Hiệp Gà rồi, nếu Hiệp Vịt diễn không ra gì người ta lại bảo “xách dép cho Hiệp Gà”, nhưng cũng may cái tên Hiệp Vịt cũng được khán giả yêu quý. 

Có người bảo hắn giống Hiệp Gà, bắt chước Hiệp gà, dựa vào cái bóng của Hiệp Gà. Hoặc thỉnh thoảng lại khen hắn: “Cha này diễn  giống Hiệp Gà thế!” Nhưng hắn lại không thích cái sự nhầm lẫn đó. Hắn bảo mình phải diễn sao để có “chất” riêng của mình. Nhiều lần hắn đi diễn ở các tỉnh, băng rôn, quảng cáo ầm ầm là Hiệp Vịt vậy mà khi hắn vừa bước ra sân khấu mọi người vẫn cứ bảo Hiệp Gà. Thế nên hắn phải sáng tạo, tìm tòi lối diễn riêng của mình. Nhưng nếu xem kỹ thì không khó để nhận ra “chất” của Hiệp Vịt đó là động tác của hắn cũng có ảnh hưởng của anh hề cải lương. Và khi diễn hắn thường “đổ” một hồi vọng cổ khiến bà con mê tít và nhận ngay ra Hiệp Vịt.

Hỏi hắn rằng đã hơn 20 năm gắn bó với sân khấu cải lương sao lại nhao ra thị trường làm gì thì hắn bảo đúng là một vở cải lương thường được đầu tư nghiêm chỉnh hơn, trí tuệ và có chất văn học, một vở cải lương cũng phải sống được năm bảy năm, còn anh diễn viên hài ngoài thị trường thì có phần xô bồ hơn, thời vụ hơn. Nhưng bây giờ thời thế nó thế, khán giả bây giờ không còn mê cải lương nữa, trong cuộc sống hối hả vội vã này, khán giả cũng chỉ thích tiếng cười sảng khoái, cười xong quên ngay cũng được chứ không thích triết lý sâu cay, xem xong về nhà mới hiểu nữa. Thế nên sân khấu cải lương cũng phải chạy theo thị trường và những nghệ sĩ cải lương như hắn cũng phải nhao ra thị trường để diễn hài, để được công chúng biết đến.

Nhiều lúc ngẫm nghĩ hắn cũng thấy buồn và xót xa cho cái nghiệp diễn của mình. Nghệ sĩ bây giờ không đủ sống. Chả phải hắn mà nhiều nghệ sĩ khác cũng vậy. Ai đời là một diễn viên cống hiến mấy chục năm, lương cũng chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng, chỉ đủ tiền thuê nhà. Tiền bồi dưỡng thù lao thì chưa ráo mồ hôi đã hết. Tập tành cả tháng trời, có khi bồi dưỡng chỉ được triệu bạc. Mà một năm nhà hát chỉ làm được hai ba vở. Lắm lúc nghĩ lương của một nghệ sĩ sao mà bèo bọt không bằng một bà “oshin” giúp việc. Song điều làm hắn nghĩ nhiều hơn, là diễn viên yêu nghề như hắn, nhà hát cứ dựng vở xong, diễn viên tập tành cả tháng trời, cố gắng để diễn hay nhất để mong bà con đến xem thì vở diễn lại chỉ để báo cáo, mời người nhà đến xem, rồi lại “đắp chiếu”. Thành ra khán giả, công chúng chả biết đến nghệ sĩ là ai, như thế lao động của nghệ thuật của những người nghệ sĩ coi như vứt đi. Thế nên hắn mới nhao ra thị trường để kiếm thêm tiền nuôi con và cũng để công chúng biết đến mình. Mà với người nghệ sĩ, điều hạnh phúc của họ là gì? Là công chúng, là khán giả.

Kể ra thì hắn cũng thiệt thòi, bao nhiêu năm lăn lộn với sân khấu cải lương, nhưng mỗi khi thi thố, thì người ta lại đắp vai cho đào chính, kép chính, chứ một diễn viên hề như hắn thì không có chỗ và vẫn bị coi như diễn viên phụ mặc dù sân khấu cải lương thiếu những vai hề thì cũng như canh nhạt muối. Đến mấy năm gần đây, người ta mới để ý đến điều này, và trong các liên hoan sân khấu mới có danh mục dành cho diễn viên hề. Lúc đó những nghệ sĩ hài như hắn mới có cơ hội thi thố tài năng. Nhờ đó mà năm 2011, tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc, hắn đã “ẵm” ngay cái Huy chương Vàng dành cho diễn viên hề trong vở diễn “Tấm vé số”. 

Mùa Tết năm nay, hắn cũng cùng với diễn viên hài Chiến Thắng tham gia vở diễn “Vua hài xài nhạc chế”, hắn vào vai anh chàng bơm ga bật lửa nói phét, chém gió bị vợ đuổi trốn nhà lên thành phố, nhưng cuối cùng thì hai gã nhà quê đã nhận ra rằng quê hương vẫn là chốn đi về. Hắn bảo, đi diễn chân trong chân ngoài thật đấy, nhưng hắn vẫn mê ánh đèn sân khấu và bị ám ảnh bởi tiếng hát cải lương. Trong những lần diễn hài hắn vẫn “đổ” vọng cổ cũng là để đánh thức khán giả về tình yêu với cải lương mà một thời hoàng kim loại hình nghệ thuật truyền thống này đã thống lĩnh sân khấu. Hắn kể mỗi khi khán giả thấy hắn ca cải lương khi diễn hài thì vỗ tay rầm rầm, chứng tỏ khán giả vẫn còn yêu cải lương. Dẫu nghệ sĩ cải lương nghèo và sống chật vật thì hắn cũng không bỏ nghề. Thậm chí hắn còn mong, ngoài các vai đểu, vai hề, thì hắn sẽ vào một vai thật là tử tế để khán giả biết rằng: Ừ thằng hề này có tài thật!