Lương khu vực doanh nghiệp bỏ xa khối hành chính

ANTD.VN - Theo các chuyên gia, tiền lương của khu vực hành chính nhà nước và doanh nghiệp đang có khoảng cách khá lớn. Mức chênh lệch giữa khu vực công-tư khoảng 2-3 lần.

Đến năm 2021, lương khu vực công sẽ tiệm cận khu vực doanh nghiệp

Một trong những nội dung quan trong của Đề án cải cách chính sách tiền lương vừa được Hội nghị Trung ương 7 khóa XII thông qua là việc thiết kế chính sách tiền lương phải đảm bảo thu hẹp khoảng cách giữa khối hành chính và doanh nghiệp.

Tiền lương phải đảm bảo nhu cầu sống

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc trả lương cho người lao động ở khu vực hành chính và doanh nghiệp hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập.

Mức lương cơ sở áp dụng cho khu vực hành chính sự nghiệp đến tháng 7 tới mới đạt 1,39 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu vùng của khu vực sản xuất-kinh doanh. Tại khu vực tư, mức lương tối thiểu vùng đang là 2,7- 3,7 triệu đồng.

Tiền lương là giá trị của sức lao động nên không có lý do gì để tồn tại khoảng cách lớn như vậy. Bất cập của chính sách tiền lương hiện hành không tạo ra động lực làm việc cho công chức, viên chức và người lao động. Đây cũng là một trong các nguyên nhân làm giảm khả năng thu hút nhân lực về lâu dài trong khu vực công.

Trong khi đó, khu vực công có vai trò xây dựng, quyết định các chính sách pháp luật của đất nước. Theo các chuyên gia, cán bộ công chức là người thực thi công vụ nhưng lại được trả lương thấp nhất trong hệ thống thì làm sao không phát sinh tiêu cực?

Công chức ngoài lương còn có phụ cấp chức vụ, phụ cấp công vụ. Những ngành nghề khác nhau, cơ quan, đơn vị khác nhau có phụ cấp đặc thù. Hiện nay chúng ta tính lương bằng hệ số lương nhân với mức lương cơ bản và các loại phụ cấp.

Tuy nhiên, dù có tới “vài chục loại phụ cấp” nhưng hiện nay, sự chênh lệch về mức lương giữa khu vực nhà nước và khối doanh nghiệp còn khoảng cách rất lớn. Nếu dẹp bỏ phụ cấp sẽ công khai minh bạch mức lương sẽ giúp người lao động phấn đấu nâng cao năng suất lao động.

Lương nhà nước bằng lương doanh nghiệp

Đề án cải cách tiền lương sẽ bắt đầu được hoàn thiện và triển khai từ năm 2021. Đổi mới căn bản của chính sách lần này là Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.

Chính sách tiền lương đã được nghiên cứu toàn diện các nội dung, trong đó tách rõ khu vực công và khu vực doanh nghiệp. Đối với khu vực công, chế độ tiền lương mới thực hiện từ năm 2021. Đặc biệt, đề án xác định mức tiền lương thấp nhất của khu vực công (là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp) từ năm 2021 bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp. 

Nhà nước sẽ bãi bỏ hệ thống gồm 7 bảng lương với các hệ số hiện nay. Thay vào đó, bảng lương mới được thiết kế theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh. Cụ thể, Nhà nước sẽ ban hành hệ thống bảng lương mới gồm 3 bảng lương: Một là, bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Hai là, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, để khuyến khích người lao động tập trung làm chuyên môn. 

Ba là, bảng lương đối với lực lượng vũ trang. Trong đó chia ra bảng lương dành cho sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm, cấp hàm), bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và bảng lương của công nhân quốc phòng, công nhân công an. 

Theo đề án, cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm: mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương, các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30%; tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ lương lấy từ nguồn tiết kiệm chi, tăng thu để trao cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị hay trao cho người lao động giỏi.

Đối với khu vực doanh nghiệp, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020 đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động; giảm dần và tiến tới bãi bỏ sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Trong khối doanh nghiệp, tiền lương phải gắn với năng suất lao động, có nghĩa là người lao động muốn có lương cao thì phải tăng năng suất lao động. Điều này sẽ hạn chế tình trạng chảy máu chất xám.