Lương không thể “cào bằng”

ANTĐ - Chương trình cải cách cơ bản lương công chức đã được đề cập từ Hội nghị Trung ương 7, khóa VIII. Chương trình cải cách hành chính cũng đặt ra vấn đề này. Vừa qua, Hội nghị Trung ương 5, khóa XI lại có một kết luận về vấn đề cải cách tiền lương. Nhìn vào thang lương của công chức hiện nay, nếu đi từ bậc thấp nhất lên đến bậc cao nhất phải mất 76 năm, trong khi một người tuổi thọ nhiều nhất cũng chỉ làm việc khoảng 30 năm. Lương như thế làm sao khuyến khích được người lao động tận tụy, cống hiến hết sức.

Tại cuộc hội thảo “Chính sách tiền lương: Thực trạng và các giải pháp cải cách” do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa tổ chức, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, sự “cào bằng”, bình quân hóa trong chế độ tiền lương hiện hành đã phát sinh nhiều bất hợp lý. Từ năm 2001 đến nay, Nhà nước đã 8 lần chỉnh lương tối thiểu. Song, mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đảm bảo bù trượt giá là chính. Mức tăng để đảm bảo lương đủ sống, phù hợp với giá trị sức lao động là không thấm vào đâu. Nếu so mức lương tối thiểu năm 2002 là 210.000 đồng/tháng, thì tiền lương danh nghĩa hiện nay đã tăng tới 295,2%, nhưng chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng tới 147,2%, có nghĩa là sau 9 năm tiền lương thực tế chỉ tăng 59,9% (theo chỉ số giá chung), bình quân mỗi năm chỉ tăng 5,4% không thể đuổi kịp đà tăng giá, nhất là lương thực, thực phẩm.

Lương công chức hiện tại là rất thấp, lực lượng vũ trang được phụ cấp 1,8; giáo viên được 1,5, còn công chức được 1, thật là chưa công bằng. Giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước nhận lương 35-40 triệu đồng, trong khi cán bộ cấp vụ chỉ hưởng lương 5,6 triệu đồng. Khoảng cách thu nhập là quá lớn, không tương xứng với sự đóng góp và không tạo ra động lực cho công chức. Những bất cập về lương tất yếu dẫn đến nhiều hệ lụy. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ thẳng thắn nhận xét, lương công chức không đủ sống dẫn đến hội chứng “tước đoạt” để bù đắp.

Nói thẳng ra là, một bộ phận không nhỏ công chức lợi dụng “ghế ngồi” của mình để nhũng nhiễu, tham ô, nhận hối lộ. Có khi vì lương thấp mà làm hỏng cả một chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước, làm “hư hỏng” cả một đội ngũ. Chưa kể tình trạng “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang các khu vực kinh tế có mức lương hấp dẫn hơn. Đương nhiên không phải công chức, quan chức nào cũng bị lung lay trước tác động của hội chứng “tước đoạt” để bù đắp, họ còn cố giữ được lương tâm, nhân cách. Thế nhưng, nếu để tình trạng lương không đủ sống, để hội chứng trên kéo dài tất sẽ tồn tại một nền hành chính quan liêu, xin cho, tiêu cực, hối lộ. Trong khi đó, chế độ nâng bậc, nâng ngạch, xếp lương mang tính “cào bằng” vừa không tuân thủ nguyên tắc của tiền lương, vừa không gắn với trình độ chuyên môn, công việc, chức vụ đòi hỏi.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội nhấn mạnh, cải cách tiền lương là một trong những thách thức lớn với những nước như Việt Nam vì ngân sách dành cho quỹ lương có hạn. Tái cấu trúc nền kinh tế không thể không cơ cấu lại chính sách tiền lương. Cải cách tiền lương trước hết phải có nguồn thu, song quan trọng không kém là lương không thể “cào bằng”. Khi một nền hành chính trong sạch, hiệu quả sẽ làm tăng tổng tài sản xã hội, tăng nguồn ngân sách để trả lương, dĩ nhiên lương của công chức sẽ được tăng lên tương xứng.