- Người không có lương hưu, đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí cần thủ tục gì?
- Chính sách mới về lương hưu có lợi, người rút bảo hiểm xã hội một lần giảm mạnh
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Đến tháng 12/2024, mức lương hưu bình quân đạt gần 7 triệu đồng mỗi tháng, bao gồm cả lực lượng vũ trang.
Bình quân lương hưu năm 2024 tăng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng chủ yếu do điều chỉnh phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và điều kiện của ngân sách nhà nước cũng như quỹ bảo hiểm xã hội.
Từ năm 1995 đến hết năm 2023, lương hưu đã được điều chỉnh 23 lần. Theo đó, lương hưu tăng từ 21 - 26 lần so với lương hưu tại thời điểm năm 1995. Trong 10 năm (2013-2023), Chính phủ đã 7 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng bình quân là hơn 8,43%. Tỉ lệ điều chỉnh mỗi lần đều cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong cùng giai đoạn.
Gần nhất, vào tháng 7/2024, Chính phủ đã điều chỉnh lương hưu tăng thêm 15% so với mức hưởng của tháng 6/2024. Mức tăng thêm này cao gấp 2 lần mức điều chỉnh bình quân của giai đoạn 2013-2023.
Về mức lương hưu hằng tháng, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thông lệ quốc tế cho thấy, lương hưu được so sánh với thu nhập bình quân đầu người.
Tại Việt Nam lương hưu bình quân của nước ta hiện nay là 6,2 triệu đồng/tháng. Trong khi GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 USD.
Theo ông Phạm Trường Giang, ví dụ ở Hàn Quốc, trợ cấp lương hưu tuổi già bình quân khoảng 13 triệu đồng/tháng, tương đương 156 triệu đồng/năm. Còn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người khoảng 36.000 USD, tương đương 864 triệu đồng.
Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội đánh giá, như vậy, lương hưu của Việt Nam không phải là thấp, mà chỉ một bộ phận người lao động về hưu trước năm 1995 chưa cao. Bởi thời điểm đó, lao động có thời gian làm việc ngắn, về hưu sớm.
Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cũng cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo trong năm 2025, cứ 6 người trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) thì chỉ có 1 người ngoài tuổi lao động. Song đến năm 2055, 2 người trong độ tuổi lao động phải hỗ trợ 1 người ngoài tuổi lao động.
Đến 2055, để duy trì mức hưởng như hiện nay thì chỉ có 2 cách: Con cháu phải đóng bảo hiểm xã hội với mức gấp 3 lần hiện nay; cải cách để nhóm này có mức hưởng phù hợp, giảm gánh nặng thế hệ tương lai.