Lương cứng và lương mềm

ANTĐ - Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi sẽ được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội vào tháng 10 tới. Điểm đáng quan tâm trong dự thảo Luật lần này là, mức khởi điểm nộp thuế được nâng từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng; mức giảm trừ gia cảnh cũng được nâng từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng. Như vậy sẽ có 2,6 triệu người trên tổng số 3,8 triệu người được “loại” ra khỏi diện phải nộp thuế.

Mức khởi điểm nộp thuế trong dự thảo là 9 triệu đồng, cao hơn nhiều so với dự thảo lần trước, chứng tỏ luật sát thực tế hơn, với tinh thần cầu thị sau khi tổng hợp và nghiên cứu các ý kiến đóng góp. Một Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, đối với cơ quan soạn thảo, mối quan tâm hàng đầu là phải tính toán làm sao thu thuế ở mức hợp lý, thể hiện được tư tưởng khoan thư sức dân.

Ở đây không đơn thuần chỉ là vấn đề “nhân văn”, bởi điều chỉnh mức khởi điểm nộp thuế phải dựa trên tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số CPI trong thời gian qua, đặc biệt là mức lương tối thiểu, đề án cải cách tiền lương, kết quả thống kê mức sống và thu nhập của dân cư. Khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực sớm hơn nửa năm so với dự kiến lúc đầu, nếu người nộp thuế có thu nhập 12,6 triệu đồng mà nuôi một người phụ thuộc thì chưa phải nộp thuế. Nếu người có thu nhập 15 triệu đồng phải nuôi một người phụ thuộc thì phải nộp thuế 120.000 đồng. Nâng mức khởi điểm nộp thuế, đương nhiên số tiền thuế thu về cho ngân sách Nhà nước sẽ sụt giảm.

Dự kiến, năm 2013 thu ngân sách sẽ giảm khoảng 5.200 tỷ đồng và năm 2014 là 13.500 tỷ đồng. Ngân sách “vơi” đi ít nhiều, nhưng bù lại sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy vậy, thuế thu nhập cá nhân cũng chỉ là “phần ngọn”, còn “gốc” của nó vẫn là thu nhập ngoài lương ở nhiều ngành nghề, vị trí công tác, chức vụ vượt khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước. Đây là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao cán bộ công chức phải “tìm kiếm” những khoản thu nhập ngoài lương.

Chế độ tiền lương đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất hợp lý như tốc độ điều chỉnh bù trượt giá, đảm bảo tiền lương thực tế chậm dần. Tiền lương hầu như không có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và người hưởng lương tiền chính sách. Trong khi đó, việc xác định mức lương vẫn trên cơ sở bằng cấp, chưa theo trình độ, chất lượng công việc hoặc chức vụ đảm nhận. Tiền lương là giá cả sức lao động, cùng một ngành nghề trên địa bàn thì thang lương, bảng lương, mức lương không thể như nhau, trong khi Nhà nước lại quy định thống nhất trong một hệ thống thang lương, bảng lương, mức lương chung. Tiền lương doanh nghiệp Nhà nước lại được Chính phủ quy định theo hệ số, còn lương doanh nghiệp ngoài Nhà nước theo mức lương tối thiểu vùng.

Một chuyên gia của Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc nhận xét, tiền lương chính thức quá thấp để công chức trang trải cuộc sống, khiến họ phải tìm kiếm các khoản thu nhập ngoài lương. Chính sách tiền lương bất cập, chắp vá, không có cạnh tranh không thể khuyến khích cán bộ, công chức làm việc và cống hiến. Vì thế đang tồn tại lương cứng và lương mềm.