Lương công chức được tính như thế nào khi trả theo vị trí việc làm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay (9/7), Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tuyên truyền Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung)”.    

Các chuyên gia giải đáp thắc mắc của cán bộ, công chức

Theo Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc, từ 1/7, Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung) chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới thay đổi, tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Với mong muốn giúp người lao động có thêm kiến thức về những điểm mới của Bộ Luật Cán bộ công chức, viên chức (sửa đổi, bổ sung), Báo Lao động Thủ đô đã mời các chuyên gia là những người rất am hiểu các lĩnh vực này, sẵn sàng truyền đạt, hướng dẫn và giải đáp các khúc mắc mà người lao động quan tâm.

Tại buổi giao lưu, chị Quản Phương Dung, Phó Chủ tịch Công đoàn Ban quản lý Đường sắt đô thị, đặt câu hỏi: Theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi thì ngoài thi tuyển sẽ có một số trường hợp được xét tuyển là công chức, xin chuyên gia cho biết, cụ thể những trường được xét tuyển là trường hợp nào? Con gái tôi tốt nghiệp xuất sắc đại học thì có thể được xét tuyển vào công chức hay không?  

Giải đáp vướng mắc này, Phó trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội Vũ Minh Huyền cho biết, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) quy định bổ sung thêm hình thức xét tuyển với các trường hợp: sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng; Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương cử đi học.

Không những vậy, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức còn có thể tiếp nhận các trường hợp: Viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ, công chức cấp xã; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân; người làm công tác cơ yếu nhưng không phải là công chức; tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý với người đang là Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong doanh nghiệp Nhà nước…

Liên quan đến chế độ tiền lương của công chức, ông Trương Anh Quân - Chủ tịch Công đoàn Trường Trung cấp Kinh tế, Tài chính Hà Nội hỏi: Một trong những cải cách về chính sách tiền lương từ năm 2021 là “trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm”. Vậy trả lương theo vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức thế nào?

Về vấn đề này, bà Vũ Minh Huyền cho hay, nếu theo lộ trình của Nghị quyết 27-NQ/TW thì năm 2021 sẽ thực hiện trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm nhưng do xảy ra dịch Covid-19 nên tạm thời sẽ chưa thực hiện. 

Cụ thể của việc trả lương theo vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức như sau: Công chức, viên chức sẽ có 2 bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo từ năm 2021 trở đi: Bảng lương chức vụ áp dụng đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

Thông qua đó, cần phải đảm bảo các nguyên tắc xếp lương như sau: Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị: giữ chức vụ lãnh đạo nào thì được hưởng lương theo chức vụ đó, nếu giữ nhiều chức vụ thì chỉ được hưởng mức lương chức vụ cao nhất…; cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề…

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp): Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm 5 bảng lương.

Đồng thời, trong Nghị quyết 27-NQ/TW, Bộ Chính trị cũng khẳng định việc xác định lương như hiện nay không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Do đó, việc cải cách tiền lương là yêu cầu khách quan và là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện.

Hiện nay, lương công chức, viên chức được thực hiện theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP theo nguyên tắc: Công chức, viên chức được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức hoặc chức danh chuyên môn, nghiệp vụ nào thuộc ngành Tòa án, ngành Kiểm sát thì xếp lương theo ngạch hoặc chức danh đó; Công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) nào thì xếp lương chức vụ hoặc hưởng phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo đó.