Luôn trong thế bị động

ANTĐ - Trong 11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 7,5 tỷ USD, chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Bên cạnh nông sản chủ lực, nước ta còn tăng mạnh xuất khẩu rau quả đạt 120 triệu USD vào năm 2012, thủy sản đạt 510 triệu USD trong 11 tháng năm nay, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Đây là hiện tượng đáng mừng, kích thích nông dân sản xuất, nhưng giới chuyên gia lại tỏ ý lo ngại, vì sao?

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, việc tăng mạnh xuất khẩu tôm sang Trung Quốc không phải là tín hiệu đáng mừng, trong khi nước ta đang thiếu nguyên liệu tôm cho những thị trường có nhu cầu và giá cao như Mỹ, Nhật Bản và EU. Trong năm 2013, tỷ trọng tôm nguyên liệu xuất sang Trung Quốc chiếm tới 94%, còn lại 6% tôm chế biến, khiến cho nguồn cung trong nước thiếu hụt trầm trọng.

Theo đại diện Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp, rủi ro trước hết là do thị trường Trung Quốc quá lớn so với lượng hàng nông sản mà nước ta đáp ứng. Vì thế, chỉ cần khi nhu cầu hoặc diễn biến thị trường của họ thay đổi 1% sẽ có thể gây biến động tới 40-50% ở Việt Nam. Nhiều năm qua, tình trạng xe chở chuối, dưa hấu, thanh long… xếp hàng dài, ứ đọng ở cửa khẩu phía Bắc là do phía Trung Quốc ép giá, cấm biên. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là vì nước ta xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc bằng đường biên mậu, trong khi chính sách biên mậu của Trung Quốc thường xuyên thay đổi khiến ta luôn bị động, đặc biệt là khi chính sách của họ được giao thẩm quyền cho các tỉnh quản lý. Bởi vậy, chuyện hôm nay mở cửa khẩu này, ngày mai đóng cửa khẩu kia luôn xảy ra. Hơn thế, sự lỏng lẻo, thiếu thận trọng, thiếu hợp tác làm ăn thống nhất của giới doanh nghiệp nước ta với thương nhân Trung Quốc càng dễ phát sinh rủi ro, thiệt hại lớn.

Các chuyên gia nhận định, nước ta đang ở thế bị động trong việc kiểm soát hàng hóa xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vì vậy, việc nghiên cứu diễn biến cung cầu của thị trường Trung Quốc là hết sức cấp bách và cần thiết, rất nhiều thứ xuất sang nhưng không biết họ mua để làm gì. Trong khi Trung Quốc áp dụng chính sách biên mậu rất linh hoạt cho các địa phương của họ, có cơ chế riêng quy định các doanh nghiệp được quyền kinh doanh biên mậu thì việc phân cấp, ủy quyền cho các tỉnh biên giới của ta chưa đủ mạnh, nhiều trường hợp phát sinh không xử lý kịp thời. Chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, không chỉ gây khó khăn mà còn tạo kẽ hở cho các hoạt động phi pháp. Đơn cử, giữa Nghị định về quy chế cửa khẩu và Thông tư liên tịch lại “vênh” nhau, tạo cơ hội cho hàng hóa phi pháp tuồn vào trong nước. 

Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng còn chỉ ra hàng loạt khó khăn do thiếu phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các cơ quan, các lực lượng trong việc quản lý chợ cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu cũng như các đối tượng buôn bán. Nếu chỉ dựa vào buôn bán tiểu ngạch không chuyển sang thương mại chính ngạch thì nước ta luôn trong thế bị động khi giao thương với phía bạn.