Đảng bộ TP Hà Nội - 90 năm xây dựng và phát triển:

Luôn gương mẫu đi đầu, là niềm tự hào của cả nước

ANTD.VN - Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Chỉ hơn 1 tháng sau sự kiện vĩ đại đó, ngày 17-3-1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Hà Nội, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập, đây cũng là Đảng bộ đầu tiên trên cả nước, đánh dấu sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tại Đảng ủy khối các cơ quan thành phố

Suốt 90 năm qua, với trí tuệ, bản lĩnh, đoàn kết và nghị lực kiên cường; với tinh thần chủ động, sáng tạo, Đảng bộ Hà Nội cụ thể hóa các quan điểm, nghị quyết, chủ trương của Trung ương Đảng, đề ra những quyết sách phù hợp với đặc thù từng thời kỳ lịch sử, lãnh đạo nhân dân Thủ đô đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Công tác chính trị, tư tưởng là ưu tiên hàng đầu

Nhìn lại 90 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành ủy Hà Nội tóm lược: đó là 90 năm vừa lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân vừa không ngừng xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức - cán bộ, đạo đức đảng viên. Có thể nói, trong các yếu tố quan trọng hàng đầu, trước hết đó là công tác xây dựng Đảng bộ về chính trị, tư tưởng.

TS Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, 90 năm qua, trong bất cứ điều kiện lịch sử nào, các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Thủ đô luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, tận tụy hết mình vì công việc, không ngại gian khổ hy sinh, đi sâu, đi sát cơ sở. 

Đặc biệt trong giai đoạn đổi mới hiện nay, công tác chính trị, tư tưởng được gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đã có nhiều cách làm hay được các cấp ủy nhân rộng, phát huy. Cùng đó, đề cao sự nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu trong giải quyết công việc; kịp thời nắm bắt tư tưởng trong cán bộ đảng viên, dư luận xã hội…

Theo Thành ủy Hà Nội, từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong chặng đường 90 năm đã để lại những kinh nghiệm có giá trị cho hiện tại. Trong đó, cùng với việc chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cần lưu ý việc chủ động dự báo, phát hiện và chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề mới phức tạp nảy sinh từ cuộc sống, tạo đồng thuận xã hội.

“Trong quá trình lịch sử 90 năm oanh liệt, hào hùng, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân Thủ đô thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Thủ đô và đất nước; gương mẫu, đi đầu trong công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên mọi mặt đời sống xã hội. Thủ đô Hà Nội luôn là niềm tự hào, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội  Ngô thị thanh hằng

“Đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng bao giờ cũng là một nhiệm vụ quan trọng, nhất là giai đoạn hiện nay. Không để diễn ra “khoảng trống thông tin”, hướng dẫn nhân dân đấu tranh một cách không khoan nhượng chống các thông tin xuyên tạc, vạch trần các âm mưu thâm độc, xảo quyệt, những tư tưởng, quan điểm sai trái là việc làm thường xuyên, quan trọng của công tác tư tưởng, tuyên giáo.

Cuộc đấu tranh này hiện nay đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ phức tạp, gay gắt trên nhiều lĩnh vực, thông qua nhiều kênh thông tin, đặc biệt là trên internet và mạng xã hội. Chính điều này yêu cầu công tác tư tưởng phải giữ vững trận địa, chủ động và tiến công một cách khoa học, có sức thuyết phục” - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu rõ.

Công tác cán bộ là then chốt

Cùng với công tác xây dựng Đảng bộ về chính trị, tư tưởng để Đảng bộ vững mạnh, công tác xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ luôn được Đảng bộ Hà Nội dành sự quan tâm đặc biệt trong suốt 90 năm lịch sử. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, quá trình phát triển Thủ đô Hà Nội đã nhiều lần chia tách, sáp nhập, nhất là lần điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008, thế nên, vấn đề đoàn kết trong Đảng bộ lại càng quan trọng. Trong đó, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đã được tiến hành chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, toàn diện, khoa học.

Hiện tại, Hà Nội đã xây dựng đề án tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả của các tổ chức Đảng và hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn. Cùng đó, thành phố đã triển khai Đề án 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Thành ủy về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”, sau khi sắp xếp, toàn thành phố đã giảm 2.245 thôn, tổ dân phố và 402 chi bộ, giảm gần một vạn người hoạt động không chuyên trách ở địa bàn dân cư. 

Hà Nội cũng là một trong số địa phương đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức”; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. 

Tính đến năm 2020, Đảng bộ thành phố có 50 Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc (giảm 9 Đảng bộ so với đầu nhiệm kỳ); đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn 20 đơn vị, sau sắp xếp giảm 13 đầu mối phòng; kiện toàn, sắp xếp giảm 5/17 ban chỉ đạo do Ban Thường vụ Thành ủy lập, giảm 74/102 ban chỉ đạo thuộc UBND thành phố…

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: “Công tác cán bộ được Thành ủy xác định giữ vị trí then chốt của then chốt, là khâu đột phá, nên đã tập trung chỉ đạo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”. 

Nghiêm khắc xử lý vi phạm

Một trong những điểm nhấn quan trọng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội đến nay, đó là công tác kiểm tra, giám sát; công tác chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm được đẩy mạnh chưa từng có. Trong nhiệm kỳ Đại hội XVI, Thành ủy đã tiến hành 8 cuộc kiểm tra, gồm 43 đoàn kiểm tra đối với 209 tổ chức Đảng trực thuộc; thực hiện 5 cuộc giám sát (gồm 25 đoàn giám sát) đối với 119 tổ chức Đảng trực thuộc. 

Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ thành phố đã kiểm tra 1.089 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trong đó có 577 trường hợp là cấp ủy viên các cấp. Qua kiểm tra, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.432 đảng viên, trong đó có 484 cấp ủy viên các cấp. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, bên cạnh những thành tựu thì công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng không tránh khỏi một số hạn chế. Đặc biệt, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, có việc chưa thật sâu sát, quyết liệt, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, thậm chí có tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong xử lý công việc. Phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo quản lý chưa cao... 

Vì thế, tới đây Thành ủy sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện phương thức lãnh đạo của cấp ủy, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, hướng về cơ sở; kiên quyết chống bệnh quan liêu, hình thức; chống lãng phí, thực hành tiết kiệm.

“Trong quá trình lịch sử 90 năm oanh liệt, hào hùng, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân Thủ đô thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Thủ đô và đất nước; gương mẫu, đi đầu trong công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên mọi mặt đời sống xã hội. Thủ đô Hà Nội luôn là niềm tự hào, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nói.