Luôn đặt mình vào vị trí của người dân

ANTD.VN - Đã hơn 3 năm có cơ hội được tiếp xúc thông qua công việc với  Trung tá Nguyễn Thị Duyên ở một đơn vị mới được thành lập - CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội, lúc nào gặp, có cơ hội chuyện trò ngoài công việc cũng thấy chị trăn trở một điều: Làm thế nào để người dân không phải đi lại nhiều khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan tới lực lượng công an.

Trung tá Nguyễn Thị Duyên trong một lần tham gia hoạt động xã hội từ thiện tại trường Tiểu học San Sả Hồ 2, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Thế rồi, từ nỗi niềm, trăn trở, nhiều giải pháp sáng tạo đã được chị hiện thực hóa thông qua công tác chuyên môn luôn ở mức xuất sắc. Ở một lát cắt riêng tư khác, nữ Trung tá ấy còn đau đáu một mong ước mà chưa một phút giây nào chị nguôi ngoai, đó là phải tìm được phần mộ người cha đã hy sinh khi chị mới chỉ được 1 tuổi.

Ghim sâu nỗi đau vào tim

17 tuổi, cô nữ sinh vùng núi Ba Vì Nguyễn Thị Duyên với ước mơ được trở thành giáo viên đã đành phải gác lại vì nhà chỉ còn hai mẹ con, muốn học trường Đại học Sư phạm phải về tận Hà Nội, cách nhà gần 60km. Chưa có một ý niệm nào về lực lượng công an nhân dân, chị vẫn ghi danh vào trường Cao đẳng Cảnh sát bởi đó là ngôi trường gần nhà nhất, để tiện bề chăm sóc mẹ.

Đơn giản là vậy nhưng khi đã lựa chọn, chị chuyên tâm với ngành học, nỗ lực phấn đấu không ngừng để giờ đây, cô nữ sinh Nguyễn Thị Duyên ngày ấy đã mang quân hàm Trung tá, Phó Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về TTXH, CAQ Bắc Từ Liêm, CATP Hà Nội, được đồng đội và nhân dân tin yêu, thủ trưởng cùng cán bộ chiến sĩ tin tưởng.

Người cha thân yêu của chị là Liệt sĩ Nguyễn Văn Chuyên, được giải ngũ sau nhiều năm chiến đấu trong 2 cuộc kháng chiến, nhưng đến năm 1968, khi mẹ chị đang mang thai chị, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Nguyễn Văn Chuyên tiếp tục tái ngũ, khoác ba lô lên đường làm nhiệm vụ.

“Tôi là một người con liệt sĩ. Giờ đây, mang trên mình bộ cảnh phục công an nhân dân, cũng là lực lượng vũ trang, tôi cảm thấy như đang cùng bố ra trận và vì thế dù chỉ “trận đánh” cải cách hành chính thì “người lính” cần phải thắng”.

Trung tá Nguyễn Thị Duyên (Phó Đội trưởng Đội QLHC về TTXH, CAQ Bắc Từ Liêm, CATP Hà Nội)

Những lá thư thỉnh thoảng cũng đến với gia đình, nhưng rồi lá thư gửi năm 1969 từ Kiên Giang đã trở thành lá thư cuối cùng của ông. Ông không kịp được biết mặt cô con gái út. Mãi đến sau ngày giải phóng, gia đình chị Nguyễn Thị Duyên mới nhận được giấy báo tử chỉ vỏn vẹn một dòng chữ: “Hy sinh tại mặt trận phía Nam”. 

Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, người cha hy sinh cũng đã 47 năm chưa tìm thấy mộ phần, đó là nỗi khắc khoải của chị và gia đình. Song ở một nữ chiến sĩ công an nhân dân có ý chí hết lòng vì công việc như chị, nỗi đau ấy đã được ghim sâu vào trong tim để từng ngày từng giờ, phục vụ người dân như một sự báo hiếu người cha đã khuất.

Nữ Trung tá làm “sống” lại những bộ hồ sơ

Tốt nghiệp khóa 2, trường Cao đẳng Cảnh sát năm 1989, Trung tá Nguyễn Thị Duyên được phân công về Công an thị trấn Nghĩa Đô, thời điểm đó vẫn thuộc CAH Từ Liêm. Gần 10 năm sau, quận Cầu Giấy được thành lập, tách một phần từ huyện Từ Liêm, chị về nhận công tác tại Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, CAH Từ Liêm.

Năm 2014, khi quận Bắc Từ Liêm được thành lập, chị được tổ chức tín nhiệm, phân công giữ chức Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH phụ trách công tác hộ khẩu. Qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, chị nhận thấy sự khó khăn của người dân mỗi khi phải giải quyết quyền lợi liên quan tới địa chỉ thường trú.

Đặc biệt khi quận Bắc Từ Liêm được thành lập, địa chỉ từ thôn thành tổ dân phố, xã thành phường, huyện thành quận đã khiến hàng vạn quyển sổ hộ khẩu phải đính chính để đảm bảo quyền lợi người dân. Cùng với đó, đơn vị phải tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, sổ sách các loại của 9 xã thuộc huyện Từ Liêm (cũ) để lại.

Đó là một khối lượng công việc không hề nhỏ với hơn 60.000 túi hồ sơ hộ khẩu và 1.300 quyển sổ hộ khẩu gốc đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tỉ mỉ, khoa học và kiên trì. Để giải quyết số hồ sơ khổng lồ này, chị đã tham mưu cho chỉ huy đội huy động 25 cán bộ chiến sĩ tiến hành phân loại, sắp xếp, lưu trữ hồ sơ theo đơn vị hành chính phường mới, đảm bảo khoa học, hồ sơ “luôn sống” phục vụ công tác trước mắt và khai thác nghiệp vụ lâu dài.  

Trung tá Nguyễn Thị Duyên còn tham mưu với chỉ huy CAQ xây dựng kế hoạch giải quyết đính chính sổ hộ khẩu và chỉ trong vòng 16 tháng sau khi thành lập quận đã giải quyết được gần 1/3 số sổ hộ khẩu. Công việc đang suôn sẻ thì quận Bắc Từ Liêm tiếp tục thêm một lần điều chỉnh từ 79 lên 181 tổ dân phố theo đề án của Thành ủy. Vừa đính chính một lần, dân lại phải đính chính lần thứ hai.

Đồng cảm với những chia sẻ của công dân, chị đã đưa ra sáng kiến lồng ghép việc khi công dân đến giải quyết công việc liên quan đến hộ khẩu sẽ đính chính hộ khẩu luôn nếu có đủ các điều kiện theo quy định. Như vậy, người dân chỉ cần một lần làm thủ tục liên quan tới hộ khẩu sẽ nhận được 2 kết quả và cũng xuất phát từ đó sẽ giảm tải lượng người đến trụ sở CAQ, giúp việc cải cách thủ tục hành chính được thực hiện từ năm 2015 đến nay đạt kết quả tốt. Sáng kiến này sau đó đã tham gia Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo cải cách hành chính của UBND TP Hà Nội và đạt giải Khuyến khích.

Với phương châm “chưa làm xong việc là chưa về”, mỗi ngày chị cùng đồng đội giải quyết     70-80 hồ sơ hộ khẩu, đến nay cơ bản đã đính chính xong hộ khẩu cho người dân. Rồi nhớ những ngày tháng 7-2015, quận Bắc Từ Liêm triển khai Thông tư 05 liên tịch giữa Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ LĐ-TB&XH, công dân mới ra đời đăng ký khai sinh tại bộ phận một cửa của UBND phường sẽ được đăng ký hộ khẩu thường trú và thẻ bảo hiểm y tế, dù chỉ là bộ phận liên quan, nhưng chị vẫn trên chiếc xe máy Honda 82 đến tận bộ phận một cửa các phường, hướng dẫn kê khai biểu mẫu để thủ tục được nhanh chóng và hợp lý hơn. 

Trung tá Nguyễn Thị Duyên cho rằng giải quyết thủ tục hành chính là trực tiếp tiếp xúc với người dân, mọi cử chỉ, lời nói, hành động tốt xấu của cá nhân cán bộ đều ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành công an, đó cũng chính là cầu nối để người dân nhìn nhận và đánh giá cả một lực lượng. Do đó chị luôn nhắc nhở cán bộ chiến sĩ của mình tuyệt đối không được lơ là khi giải quyết công việc, phải luôn đặt mình vào vị trí của người dân để lắng nghe, chia sẻ và cảm thông.

Cũng xuất phát từ ý nghĩa xuyên suốt đó nên hàng ngày chị luôn dành thời gian quan sát cán bộ chiến sĩ làm việc tại bộ phận “một cửa” CAQ, kịp thời tháo gỡ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc cho cán bộ chiến sĩ và công dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính, được nhân dân ghi nhận và đồng tình ủng hộ. 

Không chỉ là người lãnh đạo đầy trách nhiệm trong công việc, Trung tá Nguyễn Thị Duyên còn là người chị cả của gần 30 cán bộ chiến sĩ trong đội. Kinh nghiệm 30 năm trong nghề, chị không giấu cho riêng mình để làm “của riêng” mà luôn quan tâm, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ trẻ về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống để cùng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Chia sẻ về công việc của mình, Trung tá Nguyễn Thị Duyên khẳng định hồ sơ hộ khẩu không như các loại hồ sơ khác là 5 năm hay 10 năm có thể hủy bỏ được mà nó tồn tại lâu dài, do đó để tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, chị và đồng đội luôn xác định mình phải toàn tâm, toàn ý tận tụy với công việc để làm tròn trách nhiệm của một người đảng viên, người chiến sĩ công an luôn hết lòng vì nhân dân phục vụ.