“Lưỡi dao” của Italia là sự tinh quái

ANTĐ - Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh ví trận chung kết giữa Italia và Tây Ban Nha như cuộc tỉ thí của “Lũ trẻ đường phố tinh quái” với những “cử nhân xuất sắc”.

- PV: Italia có mặt tại chung kết có làm ông bất ngờ?

- Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh: Tôi ấn tượng với ý tưởng của HLV Prandelli: “Thay vì nhốt các cầu thủ trẻ trong các trường đào tạo, nên tạo thêm những cơ hội để chúng được cọ xát với môi trường bóng đá đường phố. Chỉ có vậy mới xuất hiện những cá nhân kiệt xuất, thay vì những cầu thủ chỉ biết hoạt động như một cỗ máy lập trình sẵn”. Italia có thể ví như tập hợp những đứa trẻ tinh quái, xuất thân từ môi trường khoa học hàng đầu thế giới và trưởng thành bởi sự tinh quái, lọc lõi của môi trường bóng đá đường phố. Sự pha trỗn giữa trường học và trường đời tạo cho họ những phẩm chất tuyệt vời. Khi những phẩm chất đó được bộc lộ triệt để, việc Italia đánh bại các đối thủ lớn để góp mặt tại chung kết xem như điều tất yếu.  

- Có vẻ như người Italia luôn biết cách chiến thắng trong những trận đấu quyết định? 

- Những scandal hậu trường trước giải, mất mát nhân lực, màn thể hiện thiếu thuyết phục tại vòng bảng… khiến nhiều người hoài nghi về hành trình đi sâu của thầy trò HLV Prandelli. Nhưng quan trọng là họ có những cá nhân biết tỏa sáng đúng thời điểm. Không ai ngờ một “gã điên” như Balotelli lại là người tung ra 2 nhát dao chí mạng vào hàng thủ được đánh giá cao của tuyển Đức. Hay một Montolivo biết tỏa sáng trong thời điểm tất cả chỉ dành sự chú ý đến thủ lĩnh Pirlo. Italia là vậy. Một tập hợp của những cá nhân biết cách tạo ra những bất ngờ nằm ngoài tính toán của đối thủ, đặc biệt trong những trận đấu lớn. 

- Nhưng ĐKVĐ Tây Ban Nha sẽ là đối thủ hoàn toàn khác?

- Tây Ban Nha với lối chơi Tiqui-Taca vốn trở thành thương hiệu nhưng không phải là không thể vô hiệu hóa. Nên nhớ trận bán kết 1, Bồ Đào Nha đã rất thành công trong việc hóa giải sức mạnh của Tây Ban Nha. Công bằng mà nói, nhà ĐKVĐ có thể đã bị loại nếu không nhờ may mắn trong loạt luân lưu. So sánh Đức và Tây Ban Nha, dù không cùng lối chơi nhưng đều là những đội bóng mạnh và điểm chung đều là những “cử nhân xuất sắc” được đào tạo bài bản. Nhưng chính sự bài bản đến máy móc đó khiến người ta dễ dàng đoán định lối chơi của họ ngay từ khi bóng chưa lăn. Nếu Tây Ban Nha không tạo được yếu tố bất ngờ (theo tôi là rất khó), họ hoàn toàn có thể rơi vào thảm kịch của người Đức. Bởi như tôi đã nói, Italia có đủ phẩm chất để khắc chế đối thủ và sự tinh quái của “những trẻ đường phố” chính là lưỡi dao chí mạng hạ gục mọi đối thủ - ngay cả khi đó là ĐKVĐ Tây Ban Nha. 

- Vậy theo ông, chiến thắng sẽ thuộc về “lũ trẻ đường phố” hay những “cử nhân xuất sắc”?

- Nếu Italia dẫn trước, chẳng khác nào một cái kết sớm cho trận chung kết này. Nhiều người hy vọng Tây Ban Nha vô địch, xem đó như sự lên ngôi của bóng đá đẹp. Nhưng theo tôi, Italia đăng quang, ngoài thứ bóng đá đẹp, đó còn là hiện thân của lối chơi khoa học pha lẫn trí tuệ và cả sự tinh quái. Đó là điều tôi mong chờ.