Lúng túng việc khen thưởng học sinh tiểu học

ANTĐ - Ngày 6-1, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn mới về việc khen thưởng học sinh tiểu học khi kết thúc học kỳ I. Dù không còn danh hiệu học sinh khá, giỏi, trung bình... nhưng các phương thức đánh giá, hình thức khen thưởng học sinh tiểu học lại hết sức rối rắm, khó áp dụng.

Lúng túng việc khen thưởng học sinh tiểu học ảnh 1Nhiều trường tiểu học lúng túng với việc khen thưởng học sinh theo cách mới

Chỉ có 2 mức đánh giá

Ngày 6-1, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Phòng GD-ĐT quận, huyện hướng dẫn các trường tiểu học tổ chức tốt công tác tổng hợp đánh giá cuối học kỳ I. Theo đó, học sinh được xếp loại từng môn học, từng hoạt động giáo dục với một trong hai mức: Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành. 

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT yêu cầu đánh giá học sinh theo nhóm năng lực và phẩm chất đã quy định trong Thông tư 30/2014 của Bộ GD-ĐT. Giáo viên sẽ góp ý với học sinh, khuyến nghị với nhà trường, cha mẹ học sinh về các mức độ này và xếp loại từng học sinh thuộc một trong hai mức: Đạt hoặc Chưa đạt.

Dù được quyền quyết định số lượng, nội dung khen thưởng cho học sinh nhưng nhà trường phải dựa trên biên bản họp của giáo viên chủ nhiệm với giáo viên bộ môn, ý kiến đánh giá của phụ huynh và kết quả bình bầu của học sinh. Hiệu trưởng một trường tiểu học quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, việc tham khảo ý kiến đánh giá của phụ huynh là điều rất khó thực hiện. “Phụ huynh chỉ biết con mình và chỉ biết các hoạt động ở nhà, còn bạn bè của con học tập thế nào, thái độ của con trên lớp ra sao thì hiếm phụ huynh nào nắm rõ được. Nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu tham khảo ý kiến phụ huynh nhưng không nói rõ sử dụng ý kiến này như thế nào, đóng góp về nội dung gì thì làm sao các trường có thể làm được?” – Hiệu trưởng này băn khoăn.

 Để tổ chức khen thưởng học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm phải hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá theo Thông tư 30/2014 của Bộ GD-ĐT hoặc đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác. Giáo viên chủ nhiệm sẽ phải tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng. 

Không khen thưởng theo khuôn mẫu

Với yêu cầu mới về đánh giá học sinh tiểu học, ông Phạm Ngọc Định nhấn mạnh: “Việc ghi nội dung giấy khen (nếu có), là hết sức linh hoạt, do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn”.  Việc chỉ có giấy khen học sinh giỏi, học sinh tiên tiến như các năm trước đây và dùng tỷ lệ này để đánh giá thi đua của giáo viên và tập thể lớp được coi là bệnh thành tích và gây áp lực không cần thiết đối với học sinh tiểu học. Thực tế các năm học trước, để được tính vào thi đua, nhiều lớp đạt tỷ lệ gần 100% học sinh giỏi, hầu như không có học sinh yếu, trung bình. “Mục đích khen thưởng hiện nay nhằm khuyến khích khả năng của mỗi học sinh, động viên các em phấn đấu vươn lên, mang lại niềm vui và hứng thú học tập, rèn luyện cho các em” – ông Phạm Ngọc Định cho biết. 

Mặc dù, yêu cầu khen thưởng không theo khuôn mẫu và phải linh hoạt nhưng theo ý kiến của hiệu trưởng một số trường tiểu học ở Hà Nội, nên có những hình thức khen thưởng thống nhất để phụ huynh, giáo viên có cơ sở đánh giá chung. Hiện tại, việc khen thưởng như thế nào vẫn chưa được các trường quyết định. Về phía Bộ GD-ĐT, những gợi ý cho việc khen thưởng được đưa ra gồm: Hoàn thành tốt nội dung học tập các môn học; Hoàn thành tốt nội dung học tập môn Toán; Hoàn thành tốt nội dung học tập môn Khoa học và môn Âm nhạc; Có tiến bộ vượt bậc trong học tập môn Tiếng Việt; Có sáng tạo, say mê học tập môn Mỹ thuật… Về năng lực, phẩm chất, các hiệu trưởng có thể sử dụng nội dung: Có tiến bộ vượt bậc trong giao tiếp; Có thành tích nổi bật khi tham gia các hoạt động của lớp, trường; Có ý thức và trách nhiệm cao về tự phục vụ và tự quản; Luôn nhiệt tình giúp đỡ bạn trong học tập…