Tiếp diễn phiên tòa Nguyễn Đức Kiên dùng đồng phạm:

Lúng túng trong việc xác định hành vi kinh doanh vàng trái luật

ANTĐ - Sáng nay (22-5), phiên tòa xét xử “đại án” Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm bước sang ngày thứ ba. Trong phần lớn thời gian buổi sáng, HĐXX tập trung thẩm vấn để làm rõ hành vi kinh doanh vàng trái phép. 

Đúng 8h35, HĐXX bước vào làm việc với việc thẩm vấn các cá nhân đại diện cho một số cơ quan chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trước câu hỏi của chủ tọa phiên tòa: “Việc đầu tư cổ phần cổ phiếu được xếp vào mã ngành nào”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, theo quy định khoản 1, Điều 7, Nghị định 43/2010/NĐ-CP, việc mã hoá ngành nghề đăng ký kinh doanh chỉ có ý nghĩa trong công tác thống kê chứ không mang ý nghĩa để xác định có phải đăng ký kinh doanh hay không.

Cùng với khẳng định trên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc xác định hoạt động kinh doanh giá vàng của Nguyễn Đức Kiên thông qua Công ty CP Phát triển sản xuất và Xuất khẩu Thiên Nam (Công ty Thiên Nam) có phải đăng ký kinh doanh không thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.    

Tương tự, đối với câu hỏi: “Việc đầu tư cổ phần, cổ phiếu đã được xếp vào mã ngành kinh tế. Vậy mã ngành này có phải đăng ký kinh doanh không”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng cơ quan này không có chức năng xác định mã ngành kinh doanh. “Mã ngành kinh tế không có nghĩa là mã ngành kinh doanh” – đại diện Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bày tỏ quan điểm.

“Theo ông, cơ quan nào có chức năng xác định mã ngành kinh doanh” – Tòa hỏi. Thể hiện quan điểm của mình, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: “Cái này đề nghị toà xác định”.

Chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng, HĐXX tiếp tục chuyển sang thẩm vấn Lý Xuân Hải – cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB. Theo đó, bị cáo Hải cho rằng kinh doanh giá vàng và trạng thái giá vàng nghe có vẻ giống nhau, nhưng về bản chất là rất khác nhau.

Lúng túng trong việc xác định hành vi kinh doanh vàng trái luật ảnh 1
Cựu Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải trả lời thẩm vấn


Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB giải thích, ngân hàng này được phép kinh doanh giá vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Việc kinh doanh đó của ACB sẽ tạo ra những sản phẩm phái sinh ở trong nước. Bị cáo Hải nhắc lại: “Trạng thái vàng khác với kinh doanh trạng thái giá vàng”. 

Để chứng minh hoạt động kinh doanh vàng của Nguyễn Đức Kiên là trái phép và quan niệm của Lý Xuân Hải không đúng, HĐXX yêu cầu Phó Tổng giám Ngân hàng ACB đương nhiệm đứng lên làm rõ. Trước sự lúng túng của ông này, tòa buộc phải trích dẫn lại lời khai tại CQĐT. Theo đó, đại diện Ngân hàng ACB khẳng định: “Kinh doanh giá vàng, kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài về bản chất đều là kinh doanh vàng”.

Lúng túng trong việc xác định hành vi kinh doanh vàng trái luật ảnh 2

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng ACB đương nhiệm khẳng định bản chất đều là kinh doanh vàng


Tiếp tục đi tìm câu trả lời về việc Nguyễn Đức Kiên kinh doanh giá vàng là có phạm luật hay không, HĐXX đã yêu cầu đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết quan điểm và quy định của luật pháp. Giải đáp vấn đề này, ông Đào Xuân Vận - Phó Vụ trưởng Vụ quản lý Ngoại hối khẳng định, thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ có 2 văn bản điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng. Cụ thể là Quyết định số 03/2006/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài và Nghị 174/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định kinh doanh vàng vật chất trong nước.  

Cũng theo lý giải của đại diện Ngân hàng Nhà nước, tại Quyết định 03 chỉ đề cập tới đối tượng trực tiếp kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài mà không quy định uỷ thác. Do đó, không có căn cứ để xác định  hoạt động ủy thác kinh doanh vàng. “Ngoài văn bản đã nêu thì Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không có quy định nào thêm về đầu tư uỷ thác cũng như hoạt động uỷ thác” – đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Lúng túng trong việc xác định hành vi kinh doanh vàng trái luật ảnh 3
Đại diện Ngân hàng Nhà nước nói về quy định kinh doanh vàng


Trước quan điểm của đại diện một số cơ quan Nhà nước, Nguyễn Đức Kiên cho rằng đó là những giải thích không đúng. Bởi vấn đề ủy thác kinh doanh đã được Luật Thương mại điều chỉnh. Theo đó, cá nhân, tổ chức có quyền ủy thác trong quá trình kinh doanh.

Đối với nội dung và hình thức kinh doanh, cựu Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cũng cho rằng mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền kinh doanh đối với bất kỳ ngành, nghề nào mà Nhà nước không cấm và cũng có quyền lựa chọn ngành, nghề kinh doanh phù hợp. Tất cả đã được quy định rõ trong Luật Doanh nghiệp 2005.

Lúng túng trong việc xác định hành vi kinh doanh vàng trái luật ảnh 4
Nguyễn Đức Kiên cho rằng đại diện cơ quan Nhà nước giải thích luật không đúng


Mặc dù hành vi kinh doanh trái phép của Nguyễn Đức Kiên chưa thật sự được làm rõ, song cuối giờ sáng nay, HĐXX đã tạm gác việc thẩm vấn ở nội dung này và chuyển sang xét hỏi đối với hành vi trốn thuế.