Lúng túng chặn nguồn thực phẩm bẩn

ANTĐ - Theo số liệu của Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM, các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt toàn thành phố mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu thực phẩm, còn lại 80% vẫn phải chuyển về từ các địa phương khác và nhập khẩu. Song, nguồn gốc thực phẩm chuyển vào thành phố tiêu thụ hiện vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.

62% cư dân đô thị phụ thuộc vào thức ăn đường phố. Ảnh: VIỆT LINH

Nguy cơ rình rập

Những ngày qua, tổ liên ngành Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức TP.HCM phối hợp với Đội CSGT Rạch Chiếc liên tiếp phát hiện nhiều xe khách, xe tải, xe máy từ Đồng Nai về thành phố vận chuyển thịt lợn, gà, bò không rõ nguồn gốc, chảy nước, có mùi hôi, trong số địa chỉ nhận hàng có cả trường… tiểu học, quán ăn, cơ sở chế biến lạp xường, chà bông... Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng Trạm Thú y huyện Bình Chánh thông tin: Tuần qua riêng trạm này đã thu giữ hơn 10.000 con gia cầm lậu không kiểm dịch được bày bán công khai trên các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, quận 7; Phạm Hùng, quận 8; khu vực Chợ Cầu Xáng, ngã 3 Quách Điêu, huyện Bình Chánh; chợ tự phát An Nhơn, chợ Cầu thuộc quận Gò Vấp…Trước đó tổ kiểm tra liên ngành huyện cũng phát hiện hộ kinh doanh gia cầm ở tổ 1, ấp 6, xã Vĩnh Lộc A đang thu gom, giết mổ và vận chuyển 1,8 tấn gia cầm có nguồn gốc từ Long An và không được kiểm dịch. Nghiêm trọng hơn, một số trang trại ở Đồng Nai chuyên cung cấp thịt cho TP.HCM vừa bị phát hiện cho thêm chất cấm vào thức ăn chăn nuôi lợn. 

Đại diện Bộ môn Ký sinh trùng - Vi nấm học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, các vùng tôm, cá nuôi ở Nam trung bộ, Tây nam bộ khi bị bệnh, nông dân buộc phải dùng thuốc để bảo vệ tài sản, họ dùng cả những chất cấm làm thức ăn; với sản phẩm đánh bắt, ngư dân cũng phải làm mọi cách để nguyên liệu hải sản không bị hư hỏng trong những ngày đánh bắt xa bờ. Rồi trong quá trình thu gom, vận chuyển, các hóa chất vẫn tiếp tục được thương lái sử dụng... Đây là nguyên nhân khiến 90% các mẫu thủy hải sản bày bán tại các chợ TP.HCM có dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép. Chưa hết, các mẫu rau sống chọn ngẫu nhiên trong các quán ăn đường phố tại TP.HCM cũng có tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng lên đến 72%, trong đó chủ yếu là trùng lông, trùng roi, bào nang amip (E.histolytica, E.coli), ấu trùng giun (giun móc, giun đũa, giun đũa chó) tập trung ở các nhóm hàng bày bán hải sản tươi sống, hủ tiếu, bún bò, phở, bún riêu, bún mắm, mỳ Quảng… 

Cuộc chiến không hồi kết?

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, chỉ riêng 3 chợ đầu mối là chợ nông sản Bình Điền, chợ rau củ quả Thủ Đức, chợ Hóc Môn, mỗi ngày lượng rau quả đổ về khoảng 1.000 tấn, trong đó rau quả sạch chỉ chiếm số lượng nhỏ, hầu hết rau đều bị phun thuốc tăng trưởng và bảo quản bằng hóa chất. Không chỉ rau quả, khoảng 650 -700 tấn thực phẩm tươi sống/ngày, trong các đợt kiểm tra cũng liên tục phát hiện thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất bảo quản, tạo màu, mùi vị... Biết vậy nhưng khi cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra, đến khi có kết quả phát hiện thực phẩm bẩn thì chủ hàng đã phân phối hết. Bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết: Gần như ngày nào trạm cũng phát hiện thịt các loại không đạt vệ sinh vận chuyển vào thành phố. Đặc biệt khi giá cả tăng, người dân ưu tiên những thức ăn rẻ tiền hơn thì lượng thịt bẩn càng đổ về nhiều. 

Trước tình trạng thực phẩm bẩn có chiều hướng gia tăng tại TP.HCM, UBND thành phố chỉ đạo các ban ngành tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, mất vệ sinh; nếu mức độ nghiêm trọng, cần thiết sẽ xử lý hình sự. Với các doanh nghiệp tham gia bình ổn, thành phố tiếp tục hỗ trợ vốn, kỹ thuật xây dựng chuỗi thủy hải sản, chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế khép kín an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm sạch cung ứng cho người dân TP.HCM. Đây là biện pháp trước mắt giúp thành phố kiểm soát, ngăn chặn tốt nguồn xâm nhập thực phẩm bẩn. Tuy nhiên đến thời điểm này, tại 322 phường, xã trên địa bàn, công tác nắm số lượng các điểm kinh doanh thức ăn đường phố, số liệu điểm kinh doanh rau quả, thủy hải sản, thịt… tại các chợ dân sinh cùng việc xây dựng cam kết kinh doanh các sản phẩm đảm bảo ATVSTP với các hộ kinh doanh vẫn chưa có, rõ ràng việc chống thực phẩm bẩn vận chuyển vào TP.HCM vẫn lúng túng chưa tìm được hướng đi.