Lúng túng cấp phép cho rượu thủ công

ANTĐ - Theo quy định, từ ngày 1-1-2014, sẽ thực hiện dán tem tất cả các loại rượu có mặt tại Việt Nam. Thời gian để chuẩn bị không còn nhiều nhưng những quy định, hướng dẫn để thực hiện vẫn chưa rõ ràng.

Những lò rượu thủ công vẫn tràn lan ở các vùng nông thôn, miền núi

Tham luận tại hội nghị phổ biến pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu do Bộ Công Thương tổ chức hôm qua (30-5), ông Lê Văn Được - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rượu bia nước giải khát nêu lên thực tế: “Chúng ta chưa quản lý được chất lượng, môi trường trong sản xuất rượu; rượu thủ công, làng nghề càng chưa quản được, gây phức tạp trên thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất rượu còn chưa được cấp phép; gian lận thuế, tem giả vẫn hoành hành”. 

Bộ Công Thương cho biết, rượu là mặt hàng bị hạn chế kinh doanh. Nhà nước sẽ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này bằng giấy phép. Theo đó, nhà sản xuất rượu phải công bố hợp quy sản phẩm để đảm bảo chất lượng. Rượu cũng sẽ phải dán nhãn mác, bất kể là sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Việc sản xuất rượu thủ công do từ 2 người sản xuất trở lên và sản xuất rượu thủ công với mục đích kinh doanh phải được cấp giấy phép... Cơ quan Nhà nước cũng sẽ thực hiện cấp giấy phép cho cả kinh doanh bán lẻ và nhập khẩu rượu. Số lượng giấy phép sẽ bị hạn chế dựa trên quy mô dân số. 

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Vân - Trưởng phòng Công nghiệp nhẹ (Sở Công Thương Hà Nội), quy định này còn nhiều bất hợp lý vì không thể cấp giấy phép cho rượu sản xuất thủ công được. Hiện nay, các hộ gia đình sản xuất rượu thủ công chỉ cần 1 người làm là đủ, không cần đến 2 người và sản phẩm vẫn được bán trên thị trường. Và nếu hộ gia đình huy động 2 người để sản xuất, cơ quan chức năng cũng khó có căn cứ để xử phạt. Hơn nữa, vì không thể cấp phép nên cũng không thể bắt các hộ sản xuất rượu công bố chứng nhận hợp quy. Từ đó, chất lượng lại bị “thả nổi”. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Vân cho biết thêm, thời gian bắt buộc dán tem cho rượu đã gần kề, nhưng chưa thấy bộ ngành liên quan nào có hướng dẫn để doanh nghiệp có giải pháp đưa công nghệ dán tem vào sản xuất. 

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Sở Công Thương Hà Giang băn khoăn: “Bà con nông dân nhiều năm sản xuất rượu ngô thủ công nhưng hiện Nhà nước chưa có quy chuẩn nào cho loại rượu này thì dựa vào đâu để cấp giấy phép”? Có đại biểu lại băn khoăn về việc cấp phép cho thương hiệu rượu quê sẽ được thực hiện ra sao, vì các cơ sở sản xuất chủ yếu là đơn vị nhỏ, xin phép rất khó. 

Trả lời cho vấn đề này, ông Phạm Đình Thưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho rằng, đã có quy định về sản xuất làng nghề nên với rượu làng nghề, đại diện làng nghề sẽ xin giấy phép sản xuất rượu. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cũng chưa lý giải được rõ ràng việc khó cấp phép cho hộ sản xuất rượu nhỏ lẻ thì sẽ quản lý bằng cách nào? 

Ông Trần Nguyên Năm - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thừa nhận, về mặt pháp lý chưa làm quy hoạch thì chưa cấp phép được. Theo ông Trần Nguyên Năm, các cơ quan Nhà nước đang nghiên cứu mẫu tem dán cho rượu và các hướng dẫn liên quan. Nếu không kịp thì Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ cho phép lùi thời gian dán tem lại.