Lùm xùm quanh việc Hà Trần hát "Anh cứ đi đi" – "Chuyện xưa kết đi, được chưa"*???

ANTD.VN - Sự việc ca sỹ Trần Thu Hà cover ca khúc Anh cứ đi đi của Vương Anh Tú, ca khúc được coi là hit của Hari Won vừa làm dậy lên một cơn sóng trong toàn bộ giới nghe nhạc, người khen, kẻ chê, thậm chí có những tờ báo đã đưa ra những bài bình luận khá dài để đánh giá về sự việc này. Nhưng dường như, tất cả đều chưa thực sự nhận được sự thỏa mãn của khán giả.

Nghệ sỹ chết ngạt vì đao to búa lớn!

Mới đây nhất, như trên một tờ báo đã đăng tải, thì tác giả của bài báo có đặt câu hỏi: “Việc các "đền đài" hát cùng, hát lại ca khúc của ca sỹ thị trường là tự rơi vào vũng lầy của chính mình hay sự tiếp nhận của công chúng đang ở vùng trũng?”

Trước hết tôi đồng ý quan điểm của tác giả, là hãy bỏ bớt định kiến và phán xét với nghệ sỹ, tuy nhiên, chính cách đặt vấn đề nặng nề và áp đặt, cùng với việc phân tích, mổ xẻ, so sánh giữa hai dòng nhạc của tác giả đã vô hình trung dựng lên một bức tường đầy định kiến và hẹp hòi đối với nghệ sỹ, và với cả khán giả.

Khách quan mà nhìn nhận, bất cứ một danh hiệu hay sắc phong nào cho các nghệ sỹ đều chưa bao giờ thỏa mãn được lòng tất cả công chúng, vì đơn giản, nghệ thuật là câu chuyện của thẩm mỹ, và đã là thẩm mỹ thì là quan điểm của mỗi cá nhân, không ai giống ai, cho nên, mọi sự so sánh trong nghệ thuật đều là khập khiễng, và không có cách lý giải nào là đích đáng cho tất cả.

Ngay sau khi bị chê bai về việc cover ca khúc “Anh cứ đi đi”, ca sỹ Trần Thu Hà đã thẳng thắn lên tiếng: “Đừng biến âm nhạc thành một trận địa thành tích và danh hiệu, trong khi nhiệm vụ của nó chỉ đơn giản là phục vụ người nghe”.

Lùm xùm quanh việc Hà Trần hát "Anh cứ đi đi" – "Chuyện xưa kết đi, được chưa"*??? ảnh 1

Diva như Hà Trần, cũng là... con người. Tại sao lại bắt diva phải hát khác người?

Ở đây, nữ ca sỹ muốn được nhìn nhận trước hết là một nghệ sỹ, thậm chí trước hết cô là một con người, cô muốn công chúng đừng khoác lên mình những tấm áo mang đầy sân si và hẹp hòi, vì hơn tất cả, họ chỉ muốn được hát và cống hiến hết mình cho khán giả.

Và đã là nghệ sỹ, Hà Trần (hay bất kì nghệ sỹ nào khác), đều có quyền thể nghiệm, có quyền thử sức, thậm chí có quyền thất bại để có những bước tiến dài hơi hơn, cũng như nghệ thuật mãi mãi chỉ là nghệ thuật mà thôi, không bao giờ có đúng hay sai, cho nên đừng tự suy diễn ra những “vũng lầy” hay “vũng trùng” gì hết, chúng ta không nên áp đặt những khái niệm nặng nề lên những cuộc chơi của nghệ thuật, vì nó là “phi nghệ thuật”.

Đừng đổ hết lỗi cho công chúng!

Dù thế nào, chúng ta vẫn buộc phải nhìn nhận một cách khách quan, đã là thị trường thì phải đa dạng, muôn màu muôn vẻ, phải có nhiễu nhương, tranh đấu thì mới thành thị trường. Âm nhạc cũng vậy, như ông bà ta có câu “Giang sơn nào anh hùng nấy”, một thị trường âm nhạc luôn có rất nhiều loại hình, thể loại, và mỗi nghệ sỹ đều có một bộ phận khán giả của riêng mình.

Với công chúng, những người tiếp nhận trực tiếp sản phẩm âm nhạc của mỗi nghệ sỹ, thì họ có quyền phán xét, có quyền đưa ý kiến, thậm chí có quyền tẩy chay. Tuy nhiên, như một hạn chế tất yếu, công chúng, vốn dễ thay đổi theo cảm tính và hiệu ứng đám đông, thậm chí dư luận sẵn sàng “đảo chiều” khi “tức nước vỡ bờ”, thì việc “nâng lên, đặt xuống” là điều chúng ta buộc phải chấp nhận.

Và nghệ sỹ, ngoài những chuẩn mực nhất định về chuyên môn nghề nghiệp, thì khi đủ khôn ngoan và thức thời, họ tìm cách nương theo công chúng là điều hoàn toàn dễ hiểu và có thể thông cảm, đó là quan điểm “Bán những cái người ta cần”, cũng chẳng có gì sai.

Cũng như mỗi nghệ sỹ có quyền chọn cho mình con đường đi riêng, có quyền lựa chọn sân chơi và cách chơi của mình, và lựa chọn công chúng cho mình, người nào thoải mái hơn trong cuộc chơi ấy, người đó đi được dài hơi hơn!

Hãy chơi một cuộc chơi hết mình với nghệ thuật

Thiết nghĩ, nghệ thuật vốn là một trò chơi, và đã chấp nhận cuộc chơi thì chúng ta hãy chơi hết mình. Cho nên mọi khái niệm, mọi danh vị, mọi “đền đài” đến một lúc nào đó cũng nên được cởi bỏ, để người nghệ sỹ được nhìn nhận đúng nghĩa là nghệ sỹ mà thôi.

Hà Trần là giọng ca đã khẳng định được mình. Vậy nên, hãy để diva ấy được sống hết mình với nghệ thuật

Và cũng đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, chúng ta xây dựng “đền đài” trong nghệ thuật để dành cho ai, chúng ta tranh luận đúng sai để bảo vệ cho nghệ sỹ, cho nghệ thuật, hay cho chính sự sân si trong mỗi chúng ta?

Chúng ta khoác lên những tấm áo hư danh cho nghệ sỹ, đặt họ trong một đẳng cấp “sang chảnh” và cô lập họ với thế giới bên ngoài, là trân trọng nghệ sỹ hay chính chúng ta muốn được đặt mình ở vị trí cao hơn với thẩm mỹ (được coi là) tốt hơn những khán giả còn lại?!

Quay lại câu chuyện của Hà Trần, tôi nghĩ chúng ta hãy khoan phán xét cô đúng hay sai, hãy đơn giản tận hưởng và nghe tác phẩm đó như một sự thể nghiệm mới, nghe như cách mà chúng ta mới nghe ca khúc đó lần đầu, để có sự nhìn nhận công bằng và xác đáng.

Cũng có thể, nó là một thể nghiệm thất bại, nhưng sau tất cả, nó đáng ghi nhận về việc Hà Trần dám bước qua cái vòng lằn ranh áp đặt cho một Diva, điều mà trước nay có khi chưa có Diva nào dám làm, tôi cho rằng, việc này đòi hỏi sự dũng cảm và đáng được cổ vũ!

Phải chăng, với việc nặng nề phán xét và khắt khe đối với các nghệ sỹ, dù khen hay chê, vô hình trung chúng ta đã phủ một cái bóng ngột ngạt và nặng nề lên toàn bộ nền âm nhạc vốn đã thua kém rất nhiều so với khu vực và thế giới, khiến cho các nghệ sỹ luôn bị dè chừng và phân vân trước mọi sự đột phá, thậm chí có những nghệ sỹ trẻ, hoặc những tác phẩm mới, mãi mãi vẫn chưa một lần dám cháy hết mình với sân chơi nghệ thuật.

(*)  Tít bài lấy một phần từ tên một tập truyện ngắn của tác giả Bảo Ninh