"Lùi ra sách giáo khoa mới lãng phí bao nhiêu, sao không thấy nói?"

ANTD.VN - "Quan điểm tôi đồng tình việc lùi áp dụng chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới một, hai năm đều được khi chúng ta chưa chắc chắn, nhưng đừng phát sinh kinh phí, hoặc nếu có phát sinh thì Quốc hội phải kiểm soát được", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.

Chiều 2-11, Quốc hội thảo luận về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 88) ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tham gia thảo luận, đa số các đại biểu (ĐB) đồng tình với việc lùi thời điểm áp dụng triển khai chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới là cần thiết để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên nhiều ý kiến băn khoăn về lộ trình, cách thức điều chỉnh cũng như nguồn kinh phí phục vụ cho việc đổi mới này.

"Cử tri băn khoăn sách giáo khoa mới có đắt hơn không, có đảm bảo được chu kỳ 12 năm hay không", ĐB Dương Minh Tuấn nói (Ảnh minh họa)

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết nếu thực hiện đúng theo Nghị quyết 88 thì việc đổi mới này có 3 giai đoạn và thời điểm này đang ở giai đoạn 2. “Vậy chúng ta đã hoàn thành giai đoạn 1 chưa, nếu hoàn thành thì tôi ủng hộ lùi một năm, nếu chưa thì tôi đề nghị lùi xa hơn”, ĐB Tuấn nói. 

Theo ông Tuấn, khi đi tiếp xúc, cử tri băn khoăn sách mới có đắt tiền hơn sách cũ không, có đảm bảo được chu kỳ 12 năm hay không, đồng thời đề nghị Bộ GD-ĐT cho biết vì sao chỉ lùi một năm, nếu giả sử chúng ta lùi 2 năm, 3 năm hay 4 năm nữa thì có thiệt hại gì không?

ĐB Nguyễn Hữu Cầu đề nghị ban soạn thảo nói rõ về kinh phí thực hiện chương trình

Lo ngại việc lùi thời gian áp dụng lộ trình thay mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới có thể kéo theo sự lãng phí, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) truy vấn: “Đề án thực hiện đã được 3 năm, theo nghị quyết của Chính phủ thì từ tháng 6-2016 đến tháng 7-2018 phải được sách giáo khoa các lớp 1, 6, 10. Vậy thì trong ba năm đó chúng ta làm bao nhiêu sản phẩm, chi bao nhiêu tiền, hiện còn bao nhiêu tiền trong số kinh phí đã duyệt... sao không thấy đề cập. Tôi đề nghị ban soạn thảo cho biết. Tôi nghĩ đơn giản là khi kéo dài thời gian thực hiện chắc chắn kinh phí tăng theo”.

Ông Cầu cho biết trong Quyết định 404, Chính phủ phê duyệt 778 tỷ đồng cho chương trình này, còn trong dự thảo trình trước Quốc hội lại là con số 1,798 tỷ đồng. “Vậy chúng ta lấy con số kinh phí nào cho việc thực hiện tới? Quan điểm tôi đồng tình việc lùi một, hai năm đều được khi chúng ta chưa chắc chắn, nhưng đừng phát sinh kinh phí, hoặc nếu có phát sinh thì Quốc hội phải kiểm soát được. Đây cũng là tư tưởng Thủ tướng Chính phủ, rằng một đồng thuế của dân chúng ta cũng phải tiết kiệm, sử dụng hiệu quả”, ĐB Cầu nói.

Tham gia phát biểu, ĐB Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) phân tích: “So với lộ trình đổi mới của nghị quyết 88, phương án mới đảo ngược lại, công việc bị đổ dồn vào 3 năm cuối, thay vì 3 năm đầu. Phương án mới giảm áp lực trong thời gian trước mắt, sau khi triển khai cho lớp 1 (cấp tiểu học) ở năm đầu tiên có thể rút kinh nghiệm cho lớp 6 (cấp THCS) ở năm thứ hai và lớp 10 (cấp THPT) ở năm thứ ba”. 

Tuy nhiên, ĐB Hà cho rằng nhận định “thời gian để tất cả các lớp trên phạm vi cả nước thực hiện chương trình đổi mới vẫn là 5 năm và điều này không làm phát sinh thêm kinh phí thực hiện biên soạn chương trình giáo dục và sách giáo khoa” như trong tờ trình là không thỏa đáng. Vì rõ ràng phương án mới, cấp tiểu học bị chậm 1 năm, cấp THCS là 2 năm và cấp THPT là 3 năm so với Nghị quyết 88. 

Một bất cập khác được ĐB Hà chỉ ra là trong tờ trình phương án mới, bắt đầu từ quý III-2018 mới triển khai biên soạn sách giáo khoa mới vậy mà quý III-2019 đã đưa vào sử dụng cho lớp 1. “Như vậy là chỉ có một năm mà theo kế hoạch trước có 2 năm để thực hiện. Trong khi việc biên soạn sách giáo khoa phải rất cẩn trọng, vì chỉ một lỗi sai nhỏ được phổ biến rộng rãi rất nguy hiểm”, ĐB Hà lưu ý.