Lùi hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự và 3 luật liên quan

ANTĐ - Cùng với Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam cũng được công bố lùi hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 đã được Quốc hội  thông qua ngày 29-6.

Lùi hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự và 3 luật liên quan ảnh 1Từ 1-7, những quy định có lợi cho người phạm tội vẫn được áp dụng

Áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội

Thông tin trên được Văn phòng Chủ tịch nước đưa ra trong buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về Nghị quyết của Quốc hội về hiệu lực của BLHS 2015 sáng 30-6. Theo đó, hiệu lực thi hành của BLHS, Bộ luật TTHS, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam sẽ được lùi từ 1-7-2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 có hiệu lực thi hành… 

Mặc dù vậy, kể từ hôm nay 1-7, các quy định có lợi cho người phạm tội tại Khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành BLHS vẫn được áp dụng. Đồng thời tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13; Áp dụng các quy định của Bộ luật TTHS 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015 và Nghị quyết số 109/2015/QH13.

Cá thể hóa trách nhiệm, khắc phục triệt để sai sót

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về hướng sửa đổi BLHS 2015, những bài học được rút ra trong công tác xây dựng luật, trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan…, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật cho biết, sai sót chủ yếu về kỹ thuật, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách hình sự là không sai. Tuy nhiên, những sai sót đó lại ảnh hưởng đến việc áp dụng của BLHS, đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nên cần phải rà soát để khắc phục. Với tư cách là ĐBQH, ông Nguyễn Văn Luật cũng nhận trách nhiệm trước cử tri, đồng thời khẳng định, trách nhiệm này thuộc về Quốc hội. 

Về quy trình Quốc hội ban hành Nghị quyết lùi hiệu lực thi hành của BLHS 2015, do thời điểm BLHS có hiệu lực thi hành là từ 1-7-2016, với thời gian rất gấp nên Quốc hội đã chọn phương án ĐBQH bỏ phiếu kín tại các đoàn, đưa vào phong bì dán kín và chuyển về Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ban kiểm phiếu làm việc theo đúng quy trình. Việc Quốc hội ra Nghị quyết lùi thời hạn thi hành nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng là để cơ quan có trách nhiệm có thời gian rà soát kỹ lưỡng, khắc phục triệt để sai sót. Đối với 3 luật liên quan không đặt ra vấn đề sửa đổi vì chưa phát hiện có sai sót, chỉ lùi hiệu lực thi hành để đảm bảo tính đồng bộ.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cũng nêu rõ, việc phát hiện ra sai sót của BLHS 2015 là do cử tri, các nhà chuyên môn, các cơ quan báo chí. Qua đó thấy được vai trò giám sát vô cùng quan trọng của cử tri đối với hoạt động của Quốc hội, trong đó có hoạt động lập pháp. Việc để xảy ra sai sót là trách nhiệm của Quốc hội. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục làm rõ hơn trách nhiệm cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là cơ quan soạn thảo, thẩm tra. Việc thu hồi ấn phẩm BLHS 2015 đã phát hành sẽ được xử lý theo Luật Xuất bản.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, sai sót của BLHS 2015 tập trung ở 5 dạng chính: Một số các quy định thuộc phần quy định chung có mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với quy định tại phần các tội phạm; một số quy định bỏ lọt hoặc trùng định lượng; trong một số điều luật quy định 2 cấu thành định tội với cùng một tội danh dẫn đến không thống nhất về kỹ thuật lập pháp; việc sắp xếp vị trí các khung hình phạt trong một số điều luật không có sự nối tiếp về mức độ nghiêm khắc của hình phạt gây khó khăn cho việc áp dụng BLHS; tại một số điều luật có quy định viện dẫn tới các điều luật khác nhưng sự viện dẫn lại không chính xác.