Lực và hút

ANTĐ - Kết quả khảo sát, điều tra của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp, cho thấy thực trạng về nhà ở trong các khu công nghiệp, nhà ở xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm, thu nhập cũng như những rủi ro đối với người lao động từ khu vực nông thôn chuyển sang lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương… thực sự đáng lo ngại.

Theo kết quả điều tra, trước khi gia nhập WTO, nước ta có gần 80% lực lượng lao động ở nông thôn, đến nay đã giảm xuống còn 70,3%. Có tới 80% lao động di cư vì lý do kinh tế, trong đó gần 70% là thanh niên dưới 30 tuổi, nhóm di cư đến các khu công nghiệp có độ tuổi trung bình 23. Mặc dù không thiếu các chính sách hỗ trợ người lao động rời bỏ nông thôn ra thành phố lập nghiệp, nhưng hầu hết đều khó triển khai, thậm chí còn nằm trên giấy. Nhà ở là nhu cầu đầu tiên, cấp thiết nhất của người lao động, song khả năng đáp ứng của doanh nghiệp rất thấp. Trong quá trình thực hiện những chính sách này gặp không ít vướng mắc.

Cơ chế ưu đãi thu hút doanh nghiệp xây nhà ở xã hội chưa đủ mạnh, chưa đủ hấp dẫn, một số khu công nghiệp ở phía Nam thực sự quan tâm đến đời sống công nhân đã đầu tư mạnh tay xây các khu nhà ở công nhân, thế nhưng vừa xa chỗ làm, xa chợ búa và các dịch vụ công cộng khiến người lao động rất khó xoay xở, đến mức họ phải bung ra ngoài thuê nhà trọ. Dư luận báo chí đã phản ánh từ lâu tình cảnh của người lao động ở Hà Nội, TP.HCM sống tạm bợ trong các nhà trọ bám quanh các khu công nghiệp. Điều kiện sinh hoạt tối thiểu không đảm bảo, thiếu thốn đủ điều, chưa nói tới giá thuê, giá điện nước thường xuyên bị “chặt chém”.

Theo kết quả thăm dò, có tới 59,8% người lao động di cư không biết sẽ sinh sống, làm việc lâu dài được bao lâu, chỉ có 7,5% có ý định “an cư lạc nghiệp”. Sau nhà ở là công ăn, việc làm và trình độ tay nghề. Trong tổng số hàng trăm nghìn lao động di cư, tỷ lệ không có chuyên môn kỹ thuật chiếm tới 66,1%.  Chính vì vậy, hầu hết lao động di cư phải chấp nhận làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Hiện có tới 30,5% làm việc trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn, bụi công nghiệp; 14,1% làm công việc độc hại và 10,4% làm công việc nguy hiểm đến tính mạng. Hơn thế, nhóm di cư làm nghề, dịch vụ phi chính thức thường không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm, công việc thiếu ổn định, thu nhập thấp, dễ bị sa thải…

Rõ ràng sự phát triển quá “nóng” các khu kinh tế, khu công nghiệp “góp phần” biến đất nông nghiệp thành đất hoang bởi lực lượng lao động trẻ ở nông thôn bỏ ruộng ra thành phố. Trong khi đó, thu nhập từ nông nghiệp quá thấp, bấp bênh khiến lao động chỉ còn đường di cư kiếm việc trong các khu công nghiệp hoặc nghề tự do, bỏ mặc đồng ruộng. Lực đẩy từ nông thôn rất mạnh, lực hút từ thành phố rất lớn, tạo ra sự quá tải cho đô thị lớn, còn nông thôn thì ngày càng thiếu người làm, ruộng đồng hoang hóa.